Bệnh Glaucoma gây mù lòa "thầm lặng"

Thứ Sáu, 11/10/2019, 06:21 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh cườm nước (Glaucoma) là bệnh khá phổ biến, diễn tiến âm thầm, gây nguy cơ mù lòa đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới, sau bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan với việc khám và phát hiện sớm, không tuân thủ điều trị bệnh này khiến người bệnh mất thị lực không thể phục hồi.

Bác sĩ khám, kiểm tra mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bác sĩ khám, kiểm tra mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Bà Lý Thị Lựu (80 tuổi, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) bị mù cả hai mắt vì mắc bệnh Glaucoma mà không được chữa trị sớm. Theo người nhà cho biết, bà có dấu hiệu nhìn mờ cách đây nhiều năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cháu bận rộn mưu sinh nên bà ngại nhờ vả đưa đi khám mắt. Cho đến khi đôi mắt bà không còn nhìn thấy được gì, bà mới nói con gái mình đưa đi khám. Kết quả, bà bị Glaucome chuyển biến nặng, phải phẫu thuật sớm để cứu vãn một phần thị giác. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) bị kém thị lực cách đây 2 năm nhưng cũng chủ quan không đi thăm khám mắt sớm. Bà chỉ được phát hiện mắc bệnh Glaucoma trong lần tham gia chương trình khám từ thiện gần đây, khi thị lực đã suy giảm khá nhiều với các triệu chứng đau đầu, nhìn mờ. Các bác sĩ đã giới thiệu bà đến Bệnh viện Mắt tỉnh để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh, bệnh Glaucoma là một nhóm bệnh làm tổn hại thần kinh thị giác. Tùy theo dạng bệnh mà Glaucoma có biểu hiện khác nhau, nhưng phần lớn thường xuất hiện, diễn tiến một cách thầm lặng, với những dấu hiệu ban đầu rất nhỏ và không xuất hiện thường xuyên như: thị lực giảm từ từ, giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng, xuất hiện những cơn đau đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nặng… Do đó, người bệnh thường dễ bỏ qua các dấu hiệu bệnh mà không đi kiểm tra, thăm khám mắt. Chỉ đến khi thấy thị lực giảm nhiều hoặc không nhìn thấy gì thì người bệnh mới đi khám.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Glaucoma là nguyên nhân gây mù thứ hai, chiếm tỷ lệ 8% và là nguyên nhân gây mù lòa không hồi phục hàng đầu trên thế giới. Ước tính năm 2020 toàn cầu có 79,6 triệu người bị Glaucoma, trong đó châu Á chiếm 47%. Số người bị mù cả hai mắt do Glaucoma dự đoán 5,3 triệu vào năm tới. Tại Việt Nam, điều tra dịch tễ tại 16 tỉnh, thành năm 2007 có 24.800 người bị mù cả hai mắt do Glaucoma. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh Glaucoma không biết do bệnh tiến triển thầm lặng ở giai đoạn đầu, không triệu chứng cảnh báo hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Trong khi đó ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.

Khảo sát của Bệnh viện Mắt tỉnh cho thấy, trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh về mắt mà bệnh viện tiếp nhận, có khoảng 5-7% bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma. Điều đáng nói là phần lớn bệnh nhân đến khám khi bệnh đã chuyển sang mức độ nặng, thị lực đã giảm sút nhiều. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị Glaucoma có nguyên nhân từ việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Trên thị trường có các loại thuốc nhỏ mắt điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc… có chứa corticoid, nếu bệnh nhân tự ý mua sử dụng mà không theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến bệnh Glaucoma. 

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp khuyến cáo, các bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma hoặc nghi ngờ mắc Glaucoma cần đi khám sớm. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại nặng nề dẫn đến tình trạng mù không thể phục hồi. Để phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm bệnh Glaucoma, mọi người nên đi khám mắt định kỳ, nhất là với người từ độ tuổi trung niên trở lên…

Bên cạnh đó, Glaucoma là một căn bệnh suốt đời. Do đó, việc tuân thủ hoàn toàn các phác đồ thuốc theo toa và thăm khám thường xuyên với bác sĩ mắt là điều bắt buộc. Thực tế đã có nhiều trường hợp bỏ dở dang trong quá trình đang điều trị bệnh, khi bệnh quá nặng quay trở lại điều trị tiếp tục thì thị lực đã suy giảm, không thể cứu vãn được.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.