Cảnh đời éo le của 3 chị em bị tâm thần, tật nguyền

Thứ Tư, 30/10/2019, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Trong căn nhà nhỏ xập xệ, 3 chị em tuổi đã cao, người bị tâm thần, người tật nguyền nương tựa vào nhau. Đó là hoàn cảnh đáng thương của 3 chị em Hoàng Thị Thược, Hoàng Thị Thảnh, Hoàng Đình Thới (ở ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc).

Ông Bùi Thanh Bình, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Xuyên Mộc và hai chị em bà Hoàng Thị Thược (bìa trái), Hoàng Thị Thảnh.
Ông Bùi Thanh Bình, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Xuyên Mộc và hai chị em bà Hoàng Thị Thược (bìa trái), Hoàng Thị Thảnh.

Chúng tôi được ông Bùi Thanh Bình, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Xuyên Mộc dẫn đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Thược (62 tuổi), Hoàng Thị Thảnh (45 tuổi) và Hoàng Đình Thới (40 tuổi). Căn nhà lợp mái tôn lụp xụp là nơi sinh sống của 3 chị em, trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế đã cũ, chiếc giường ọp ẹp. Ngoài hiên nhà, bà Thược và bà Thảnh đang chuẩn bị ăn cơm trưa. Gọi là bữa trưa nhưng trên mâm chỉ có chén nước tương, đĩa rau luộc với mấy con cá khô. Thấy người lạ vào nhà, bà Thảnh chỉ tay ú ớ, la hét xua đuổi, bà Thược vừa dỗ dành em gái vừa phân bua: “Thảnh rất sợ người lạ, nên mỗi khi thấy người lạ đến em tôi thường phản ứng như thế”.

Gia đình bà Thược có 8 anh chị em (quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình), theo cha mẹ vào Xuyên Mộc từ năm 1977. Cha mẹ của bà Thược lần lượt qua đời. Hiện nay, cả 3 chị em bà Thược nương nhờ vào người em trai là ông Hoàng Đình Thế (60 tuổi) đang sống cạnh nhà. Nhưng ông Thế vốn cũng không khá giả, mọi chi tiêu, sinh hoạt gia đình đều dựa vào đồng tiền kiếm được từ việc chạy xe ôm.

Theo lời kể của những người hàng xóm, hoàn cảnh nhà bà Thược rất thương tâm, bà Thược bị liệt 2 chân không đi lại được; bà Thảnh bị câm điếc và tâm thần còn ông Thới cũng bị tâm thần, đi lang thang từ ngày này qua ngày khác, lâu lâu mới ghé về nhà. Những lúc bình thường không sao, mỗi khi trong nhà có người bị bệnh là vợ chồng ông Thế phải chạy vay mượn khắp nơi để lo cho các chị, em. Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của mình, ông Thế cho biết: “Nhiều khi túng thiếu quá, vợ tôi muốn đi làm thuê để kiếm thêm tiền phụ cùng chồng lo cho gia đình nhưng khổ nỗi, vợ tôi đi làm thì không có thời gian cơm nước, phục vụ các chị, em”.

Ông Hoàng Anh Phan, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Xuyên Mộc cho biết, gia đình bà Thược là một trong những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của huyện. Cha bà Thược trước đây là bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có thể do bị nhiễm chất độc hóa học nên sinh 8 người con thì có 3 người bị tật nguyền và tâm thần. Nhưng do lúc trở về đời thường, cha bà Thược mất hết giấy tờ nên gia đình không được xét hưởng chế độ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, 3 chị em bà Thược đang được nhận mức hỗ trợ 4,2 triệu đồng/năm (do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh vận động từ nguồn vận động các nhà hảo tâm). Riêng bà Thược và bà Thảnh được hưởng trợ cấp thường xuyên dành cho người khuyết tật 480.000 đồng/người/tháng. Dù đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhưng phần vì không có khả năng lao động, phần vì bệnh tật thường xuyên nên 3 chị em nhà bà Thược vẫn sống trong cảnh cơm bữa đói, bữa no. 

Chuyên mục KẾT NỐI YÊU THƯƠNG mong nhận được thông tin của bạn đọc về các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn... Ban Biên tập sẽ cử người xác minh và đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin giới thiệu gửi về email: baobrvt@gmail.com hoặc Quỹ “Tấm lòng Vàng”, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Vũng Tàu).

Gia đình bà Hoàng Thị Thược rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn và có điều kiện chữa bệnh. Mọi sự giúp đỡ, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ trực tiếp với Quỹ “Tấm lòng Vàng” Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Vũng Tàu), điện thoại: 0254.3.533.533 - 0941.666.000 hoặc trực tiếp giúp đỡ gia đình qua số điện thoại: 0346.847.866.

Bài, ảnh: AN NHẬT

;
.