Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiệm sửa đồng hồ đứng vững với thời gian

Thứ Tư, 30/10/2019, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Tồn tại 62 năm với một tiệm sửa đồng hồ quả là điều chẳng dễ dàng, nhất là trong thời buổi công nghệ điện tử đang phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, tiệm đồng hồ Minh (59, Lý Thường Kiệt, TP. Vũng Tàu) đã làm được điều đó.

Ông Nghiêm Chánh Minh thử đồng hồ đeo tay cho khách hàng.
Ông Nghiêm Chánh Minh thử đồng hồ đeo tay cho khách hàng.

Tiệm đồng hồ Minh không quá đông khách. Người đến tiệm hầu hết là khách lâu năm, trong đó có người đã gắn bó với tiệm từ những ngày mới mở đến nay. Ông Nguyễn Khánh (81 tuổi, ở phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) là một trong số đó. Hôm gặp chúng tôi tại tiệm Minh, ông đến để sửa quai đồng hồ - món quà do người cháu tặng, đã được ông nâng niu suốt 5 năm qua.

Ông Khánh cho biết, khi còn trẻ, ông đã biết đến tiệm đồng hồ Minh, lúc tiệm còn nằm ở gần góc đường Trưng Trắc - Lý Thường Kiệt. Chủ tiệm bấy giờ là ông Nghiêm Văn, năm nay đã 82 tuổi. Hiện nay, ông đã giao cho 3 người con, trong đó ông Nghiêm Chánh Minh (51 tuổi) làm quản lý chính. “Hồi đó, tôi làm nghề đi biển. Chiếc đồng hồ đeo tay luôn là vật bất ly thân với những người làm nghề này. Chiếc đồng hồ đầu tiên tôi mua ở tiệm Minh, đến giờ đã thay qua hơn chục chiếc nhưng tất cả đều mua, sửa chữa ở đây”, ông Khánh nói.

Bà Trần Thị Nga (53 tuổi, ở phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) là khách hàng thân thiết của tiệm đồng hồ Minh gần 30 năm cho biết, khi còn thanh niên, bà hay đến nhà người chị gái ở gần tiệm đồng hồ này nên biết và mỗi khi cần mua hay sửa đồng hồ, bà đều tìm đến đây. “Điều khiến tôi gắn bó lâu với tiệm là chủ tiệm rất trung thực, không nói thách, khi sửa đồng hồ thì làm rất cẩn thận. Hiện nay, cả gia đình tôi đều mua và sửa đồng hồ ở tiệm này”.

Ông Nghiêm Chánh Minh cho biết, năm 1957, ba ông mở tiệm. Nghề sửa đồng hồ ba ông học được từ người thợ ở Cần Thơ lên Vũng Tàu lập nghiệp, sau đó truyền lại cho 3 người con trai thứ. Trước giải phóng, tiệm có tên Tiến Phát, nằm trong khu vực chợ cũ (gần góc giao đường Lý Thường Kiệt - Trưng Trắc hiện nay). Sau giải phóng, mặt bằng tiệm bị lấy lại, ông Văn chuyển sang nương nhờ một góc nhỏ của một tiệm đồ cổ. Lúc đó, tiệm chỉ có thể duy trì tủ sửa đồng hồ nho nhỏ và không có tên gọi. Vài năm sau, gia đình chuyển về địa điểm hiện nay. Tiệm được mở rộng, khang trang hơn và lấy tên là Minh. Ngoài sửa chữa, tiệm còn bán một số loại đồng hồ đang thịnh hành. Những năm 1989, 1990, tiệm bắt đầu phát đạt và có lượng khách hàng ổn định. Trải qua hơn 60 năm, tiệm đồng hồ Minh vẫn thu hút khách hàng cho đến nay.

Chia sẻ về cách thức để duy trì uy tín của tiệm, ông Nghiêm Chánh Minh cho biết, lòng tin của khách hàng là yếu tố hàng đầu để tiệm tồn tại lâu dài. Giá cả phải chăng, chất lượng sản phẩm tốt, có tâm với nghề thì khách sẽ gắn bó với mình. Qua thăng trầm của thời gian, nghề sửa đồng hồ hiện nay không còn thịnh như trước. Những người lớn tuổi thì không còn đủ sức khỏe để theo nghề, còn con cháu không mặn mà nối nghiệp mà chọn những nghề khác dễ kiếm tiền hơn. Vì vậy, nghề sửa đồng hồ cũng dần mai một. “Coi đơn giản vậy chứ cũng phải học nghề khá lâu, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cần mẫn, khéo léo. Hiện nay, thu nhập từ nghề này không cao như trước hoặc các nghề khác. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn giữ nghề của cha ông, phần cũng đã quen với nghề, đủ để kiếm sống nên mấy anh em cố gắng duy trì”, ông Minh thổ lộ.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.