Báo động về vấn nạn xâm hại trẻ em

Thứ Hai, 23/09/2019, 22:22 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, những vụ xâm hại trẻ em (XHTE) trên địa bàn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải được quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là từ phía gia đình.

Sở LĐTBXH tỉnh phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức tổ chức tập huấn kỹ năng bảo vệ và phòng tránh XHTDTE cho gần 400 phụ huynh HS của các trường TH và THCS trên địa bàn huyện Châu Đức vào ngày 11 và 12/5/2019.
Sở LĐTBXH tỉnh phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức tổ chức tập huấn kỹ năng bảo vệ và phòng tránh XHTDTE cho gần 400 phụ huynh HS của các trường TH và THCS trên địa bàn huyện Châu Đức vào ngày 11 và 12/5/2019.

SỐ VỤ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM GIA TĂNG

Ngay khi nghe đại diện VKSND đọc cáo trạng vụ án Văn Phương Vương (SN 1976, ngụ TP.Vũng Tàu) về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi vừa được TAND TP.Vũng Tàu đưa ra xét xử ngày 18/9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với chi tiết nạn nhân là cháu P.T.T.L (SN 2007, ngụ TP.Vũng Tàu) nằm trên vỉa hè và bị Vương dụ dỗ lên xe máy cùng đi đến nhà nghỉ để thực hiện hành vi xâm hại.

Tìm hiểu nguyên nhân, mẹ cháu L. - chị N.T.T cho hay, ngày 19/3, do L. không làm việc nhà mà xem điện thoại, nên trong lúc nóng giận chị T. đã nặng lời với L. Tủi thân, L. bỏ đi thẳng ra đầu hẻm, nằm trên vỉa hè khóc. Vừa lúc đó, Vương dừng xe hỏi thăm và rủ L. đi uống nước, mua nhẫn và chở L. vào nghỉ T.T (đường 2/9, phường 12, TP.Vũng Tàu). Tại đây, Vương thực hiện hành vi dâm ô với L. Sau đó, Vương nằm ngủ thiếp đi, L. trốn ra ngoài nhờ bà chủ nhà nghỉ gọi điện cho mẹ. Sau đó, gia đình cháu L. đã trình báo cơ quan Công an. Xét xử vụ án này, TAND TP.Vũng Tàu tuyên phạt Vương 2 năm tù.

Trên đây là 1 vụ việc điển hình về nạn xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trong tổng số 158 vụ XHTD (162 nạn nhân) trên địa bàn tỉnh được phát hiện, xử lý từ năm 2015 đến tháng 6/2019. Điều đáng lo ngại là số vụ việc XHTDTE có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 29 vụ, năm 2016/31 vụ, năm 2017/28 vụ, năm 2018/33 vụ, 6 tháng đầu năm 2019/27 vụ.

Tại phiên tòa ngày 18/9, bị cáo Văn Phương Vương bị TAND TP.Vũng Tàu tuyên phạt 2 năm tù về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Tại phiên tòa ngày 18/9, bị cáo Văn Phương Vương bị TAND TP.Vũng Tàu tuyên phạt 2 năm tù về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Đại tá Nguyễn Văn Thời, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong 27 vụ XHTDTE 6 tháng đầu năm 2019, có tới 50% số vụ là hành vi giao cấu với trẻ từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Qua phân tích các vụ XHTDTE thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về biến đổi tâm sinh lý của trẻ; thiếu sự quan tâm và chia sẻ về vấn đề giới tính với con cái. Từ đó, dẫn tới tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em gái không có kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu ý thức về nguy cơ bị xâm hại và thiếu kỹ năng phòng tránh bị xâm hại. Điều này cho thấy việc quản lý, giáo dục con cái của nhiều gia đình còn lỏng lẻo, nên tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm khi còn ở độ tuổi vị thành niên hiện khá phổ biến. “Mặt khác, công nghệ truyền thông phát triển khá nhanh, có nhiều trang mạng xã hội đăng, truyền tải các thông tin có nội dung không lành mạnh, khơi gợi sự tò mò về giới tính, nên có tác động không tốt tới nhận thức về tình dục của trẻ em lứa tuổi dậy thì. Từ đó, trẻ em dễ bị dụ dỗ và bị xâm hại”, Đại tá Nguyễn Văn Thời nhận định.

Đơn cử là vụ án Nguyễn Trung Hiếu (SN 1996, ngụ TP.Vũng Tàu) bị TAND TP.Vũng Tàu tuyên phạt 4 năm tù tội giao cấu với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại phiên tòa ngày 20/9. Theo cáo trạng, thông qua mạng xã hội Zalo, Hiếu quen biết và có tình cảm với cháu N.T.T.A (SN 2005, ngụ TP.Vũng Tàu). Sau đó, Hiếu và cháu A. hẹn gặp nhau, cả 2 cùng đến khách sạn B.V (phường 2, TP.Vũng Tàu) ở cùng nhau từ 20 giờ ngày 23/4 đến 7 giờ sáng ngày 24/4/2019. Trong khoảng thời gian này, Hiếu và A. tự nguyện quan hệ tình dục với nhau. Đến ngày 28/4, qua trình báo của gia đình A. nên Hiếu bị cơ quan công an bắt giữ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm nhiều hơn, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng phòng chống XHTDTE được cảnh báo nhiều nhưng chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, mạng lưới cán bộ, cộng tác viên làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu và yếu. “Quan trọng hơn là từ mỗi gia đình, các bậc phụ huynh còn chủ quan, lơ là, thiếu sự đề phòng với những người quen biết có thể sẽ trở thành người xâm hại con, em mình”, ông Trần Quốc Khánh lưu ý.

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, việc phòng, chống XHTDTE là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, vì đây là môi trường sống đầu tiên, nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong BVCSTE. “Theo đó, người lớn trong gia đình cần tự trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, em mình những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống XHTE, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tâm sinh lý của trẻ”, bà Lê Thị Hoa nhấn mạnh.

BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY,
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH
Triển khai các giải pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Qua đợt giám sát mới đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh theo chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh” cho thấy, thực trạng XHTE trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục xem xét, nghiên cứu về các chế tài mạnh hơn đối với hành vi XHTE, đồng thời đề ra giải pháp bảo vệ, hỗ trợ tốt hơn đối với trẻ em bị xâm hại. Bên cạnh đó, phải sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc Bảo vệ trẻ em của tỉnh để thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

 

Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện công tác CSBVTE; tổ chức 692 buổi tuyên truyền về BVCSTE, phòng, chống XHTE với gần 185 ngàn người tham gia. Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy hỗ trợ trẻ em tại 3 phường, thị trấn thuộc TP.Vũng Tàu, huyện Long Điền và huyện Xuyên Mộc.

Trước thực trạng báo động về vấn nạn xâm hại trẻ em, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở LĐTBXH chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Theo đó, trong thời gian tới, sẽ tăng cường phối hợp liên ngành về công tác BVCSTE; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật, tập trung vào vùng nông thôn, vùng sâu, khu nhà trọ, khu tập trung đông dân cư, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em bỏ học, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội, người tạm trú…); Tăng cường truyền thông, giáo dục về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo lực, XHTE. Tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, XHTDTE. “Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc theo quy định pháp luật đối với các đối tượng có hành vi XHTE dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.