Tiếp sức để người yếu thế vươn lên

Chủ Nhật, 22/09/2019, 21:14 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với sự giúp đỡ về vật chất, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và Bảo trợ xã hội (BTXH) các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ vốn giúp gia đình NNCĐDC, người khuyết tật (NKT) phát triển kinh tế. Những hoạt động “tiếp sức” đó đã tạo điều kiện để họ vươn lên, có cuộc sống tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (NKT ở phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) được vay 5 triệu đồng từ Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh để làm vốn bán vé số. Hiện nay, bà có thu nhập từ 100-150 ngàn đồng/ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (NKT ở phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) được vay 5 triệu đồng từ Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh để làm vốn bán vé số. Hiện nay, bà có thu nhập từ 100-150 ngàn đồng/ngày.

 TRAO “CẦN CÂU”

Sau trận sốt lúc 1 tuổi, chân phải của anh Lê Công Hoan (SN 1972 ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cứ teo dần. Gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, năm 2002, anh Hoan quyết định vào TP. Vũng Tàu sinh sống với nghề trồng hoa cho người anh họ. Chăm chỉ làm việc và tích góp được một số vốn, đầu năm 2006, anh thuê hơn 7.000m2 tại phường 10 (TP. Vũng Tàu) để trồng rau và hoa. Cũng trong năm đó, anh gặp chị Phạm Thị Tư (SN 1984, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cảm phục ý chí, nghị lực của anh Hoan, chị Tư đã quyết định kết hôn với anh 2 năm sau đó, bất chấp sự phản đối của gia đình. Có vợ chung sức, đồng lòng, việc trồng rau và hoa của anh chị dần phát triển.

Đầu năm 2017, anh được Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho vay 50 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Từ tháng Giêng đến hết tháng 5 (âm lịch), anh chị trồng rau bí, cải, đậu bắp để bỏ mối cho tiểu thương tại các chợ. Khoảng đầu tháng 6 (âm lịch), vợ chồng anh bắt đầu gieo hạt gần 10.000 chậu cúc, hồng lửa… để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Sau khi trừ chi phí, anh chị thu lãi trên 800 triệu đồng/năm, đồng thời còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ với mức thu nhập 250 ngàn đồng/người/ngày. “Nhờ nguồn vốn của Hội mà tôi có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo lập được cơ ngươi như hôm nay. Tôi mong Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ vốn để có nhiều NKT như tôi có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu bằng chính sức lao động của mình”, anh Hoan chia sẻ.

Nhờ học lớp dạy nghề làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh tổ chức,  chị Trương Thị Thùy (bên phải) có thu nhập khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày.
Nhờ học lớp dạy nghề làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh tổ chức, chị Trương Thị Thùy (bên phải) có thu nhập khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày.

Thời gian qua, các cấp hội ở địa phương cũng đã và đang thực hiện tốt công tác “tiếp sức” giúp người yếu thế vươn lên. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Hội NNCĐDC và BTXH TP. Bà Rịa đã vận động các đơn vị, DN cho 107 lượt hộ NNCĐDC, khuyết tật vay 522 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hầu hết các gia đình tham gia chương trình đều có thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Đơn cử như anh Lê Thanh Toàn (SN 1986, ở tổ 5, khu phố Núi Dinh, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa), bị liệt 2 chân. Đầu năm 2014, anh được Hội NNCĐDC và BTXH TP. Bà Rịa cho vay 30 triệu đồng để mở cơ sở đúc chậu bê tông, bán cho người trồng hoa. Nhờ đó, anh đã có nguồn thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, chị Trương Thị Thùy (SN 1993, ở 7/30, Nguyễn Thị Định, phường 9, TP. Vũng Tàu, bị liệt từ nhỏ) cũng đã được học lớp làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh mở vào tháng 9/2018. Sau khi học nghề, chị tự làm bánh tại nhà và bán hàng qua mạng xã hội facebook, zalo với thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Chị Thùy là 1 trong 7 NKT trên địa bàn TP. Vũng Tàu được học nghề làm bánh và đã có thu nhập tương đối ổn định.

Người khuyết tật TP. Vũng Tàu tham gia lớp học làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh tổ chức.  Ảnh: MINH NHÂN
Người khuyết tật TP. Vũng Tàu tham gia lớp học làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh tổ chức. Ảnh: MINH NHÂN

 TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI YẾU THẾ

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có 11.936 NKT, trong đó có 2.926 người bị nhiễm CĐDC. Việc lập nghiệp, có thu nhập ổn định với người lành lặn đã khó, với những người bị khiếm khuyết về cơ thể, họ phải nỗ lực bội phần và cần có sự chung tay nâng đỡ của cộng đồng. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2014 đến nay, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh đã triển khai chương trình “Hỗ trợ kế sinh nhai cho NNCĐDC và NKT” bằng việc trích 1 tỷ đồng từ Quỹ “Vì NNCĐDC và NKT” để hỗ trợ gia đình NNCĐDC, khuyết tật vay không tính lãi. Mức cho vay từ 5-50 triệu đồng/người, thời hạn vay không quá 12 tháng. Đến nay, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh đã giải quyết cho 41 lượt hộ nghèo là nạn nhân CĐDC, NKT vay với tổng số vốn 720 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội NNCĐDC và BTXH còn vận động các cá nhân, DN tặng 11 con bò giống, hỗ trợ 420 triệu đồng cho 60 lượt NKT, NNCĐDC phát triển kinh tế…

Trong năm 2019, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 30-50 NKT hoặc liên kết với các trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh nhận đào tạo nghề cho NKT, giúp họ có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt phụ thuộc vào gia đình. Hội cũng đặt mục tiêu tặng 15.000 suất quà, 200 xe lăn cho NNCĐDC, NKT; tặng 200 suất học bổng, 100 xe đạp cho trẻ khuyết tật, xây mới và sửa chữa nhà cho 20 đối tượng, trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho 200 người, mổ tim và phẫu thuật chỉnh hình cho 15 ca…

Để khuyến khích và hỗ trợ NKT học nghề, ngày 10/11/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2712-QĐ-UBND về việc ban hành danh mục nghề và mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NKT trong độ tuổi từ 14-55 (đối với nữ) và 14-60 (đối với nam) được tham gia các lớp học nghề: tin học, kết hạt cườm, se nhang, đàn organ, thiết kế tạo mẫu tóc, trang điểm và làm móng. Mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học (thời gian học từ 320-408 giờ). Ngoài ra, NKT còn được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại. Việc hỗ trợ các khóa học nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được áp dụng cho tất cả các đối tượng thuộc hội người mù, hội NKT các địa phương, các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật...

Ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho rằng, việc tặng quà, hiện vật cho NKT, NNCĐDC chỉ là giải quyết nhu cầu trước mắt. Giải pháp căn cơ, lâu dài là giúp họ vay vốn để làm kinh tế. Từ đó, họ sẽ có điều kiện tự tạo được công việc phù hợp với khả năng, trở thành nguồn sinh kế bền vững, lâu dài. Hiệu quả của những giải pháp này đã được chứng minh trên các trường hợp thực tế. Vì vậy, thời gian tới, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh sẽ tiếp tục cân đối nguồn quỹ, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, DN để hỗ trợ vốn giúp NKT, gia đình NNCĐDC vay để phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, để làm được điều này, các cấp, các ngành và địa phương cần có kế hoạch cụ thể về việc triển khai đào tạo nghề cho NKT; tăng cường công tác tuyên truyền để họ nắm bắt được các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho NKT, đồng thời vận động các DN tiếp nhận NKT vào làm việc, giúp họ có công việc và thu nhập ổn định”, ông Trần Minh Đức nói thêm.

 Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.