Đưa kiến thức pháp luật về nông thôn

Thứ Sáu, 02/08/2019, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn luôn được các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. 

Chi hội Phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức lồng ghép sinh hoạt hội với tuyên truyền pháp luật cho chị em phụ nữ. Ảnh: N.T
Chi hội Phụ nữ ấp Bình Đức, xã Bình Ba, huyện Châu Đức lồng ghép sinh hoạt hội với tuyên truyền pháp luật cho chị em phụ nữ. Ảnh: N.T

Ông Hoàng Trọng Ánh, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, công tác PBGDPL cho người người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn… được các cơ quan chức năng, đoàn thể, lực lượng vũ trang (Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển…) chính quyền địa phương chú trọng, thường xuyên triển khai thực hiện. Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và chấp hành pháp luật của nông dân, ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các ngành, các cấp phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, buổi tuyên truyền các luật, pháp lệnh, nghị định mới ban hành cho hơn 241 ngàn lượt người. 

Ông Dương Văn Dình (dân tộc Châu Ro, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho hay, nhờ được tuyên truyền pháp luật nên ông đã có thêm những kiến thức về pháp luật, nhất là chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. “Trước đây, tôi chưa biết người dưới 18 tuổi thì không được đi xe máy phân khối lớn, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; việc đánh đập, bạo hành gây tổn thương cho vợ, con là vi phạm pháp luật. Qua các buổi tham gia hội nghị tuyên truyền pháp luật, tôi đã biết rõ hơn và chấp hành tốt để không vi phạm pháp luật”, ông Dình bày tỏ.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phát tờ rơi cho ngư dân TP.Vũng Tàu các nội dung liên quan tới quy định pháp luật về khai thác hải sản xa bờ, phòng chống ma túy.  Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phát tờ rơi cho ngư dân TP.Vũng Tàu các nội dung liên quan tới quy định pháp luật về khai thác hải sản xa bờ, phòng chống ma túy. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bà Đào Thị Dương (dân tộc Châu Ro, ngụ thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lồ Ồ cho biết, nhờ được tuyên truyền pháp luật mà bà con trong thôn đã tự giác chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, ở thôn Lồ Ồ không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tệ nạn xã hội cũng giảm mạnh; thanh niên chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Theo ông Đỗ Trịnh Minh Chính, Công chức Tư pháp xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ), người dân xã Sông Xoài đa số làm nông nghiệp, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 30-40%. Trước đây, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân tộc thiểu số trong xã còn hạn chế nên tình trạng vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tệ nạn bạo lực gia đình, mâu thuẫn trong dân cư xảy ra nhiều. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, thông qua các hoạt động PBGDPL, tình trạng trên đã giảm 50-60%. 

Tại xã Long Phước, TP.Bà Rịa, công tác PBGDPL được chính quyền địa phương triển khai với các hình thức tổ chức hội nghị, sinh hoạt tổ dân cư, thành lập câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ nông dân với pháp luật… Thông qua hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân của xã đã lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, kết hợp vận động người dân hiến đất làm đường theo chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Bà Đỗ Thị Minh Thúy, Phó phòng Tư pháp TX.Phú Mỹ cho biết, trên địa bàn thị xã, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, do đó công tác PBGDPL cho các đối tượng này cũng được TX.Phú Mỹ phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thường xuyên thực hiện thông qua các hình thức tổ chức hội nghị PBGDPL; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu, các tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích; thực hiện lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, giáo dục pháp luật trong nhà trường, sinh hoạt CLB pháp luật.

Theo Sở Tư pháp, các hội nghị, buổi tuyên truyền PBGDPL cho người dân có nội dung rất phong phú và đa dạng, gồm các quy định pháp luật về nông nghiệp-nông thôn; chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc; phổ biến văn bản pháp luật thiết thực với đời sống người dân liên quan tới các lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo đảm an toàn giao thông… Nhờ vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khu vực nông thôn, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được nâng cao. 

TRÚC GIANG 

;
.