Đề án thu hút nhân lực cho ngành y tế: 4 năm triển khai, kết quả là "con số 0"

Thứ Ba, 05/03/2019, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

VÌ SAO THẤT BẠI?

Đề án “Chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế giai đoạn 2015- 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án), đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 6-3-2015, tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài tỉnh bằng các chế độ đãi ngộ. Đối tượng thu hút là những bác sĩ có kinh nghiệm làm việc lâu năm, tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học y hệ chính quy của các cơ sở đào tạo uy tín… Mỗi bác sĩ trong diện được tuyển chọn sẽ được hỗ trợ (1 lần) số tiền từ 200 đến 350 triệu đồng và hưởng một số chế độ hỗ trợ khác. Chính sách này không áp dụng cho những bác sĩ đang làm việc hoặc từng làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh và sinh viên trong chương trình “đào tạo theo địa chỉ” của tỉnh.

Bệnh viện Mắt tỉnh hiện có 16 bác sĩ, trong đó có 13 bác sĩ có trình độ sau đại học. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN
Bệnh viện Mắt tỉnh hiện có 16 bác sĩ, trong đó có 13 bác sĩ có trình độ sau đại học. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN

Các đối tượng thuộc diện thu hút theo Đề án sẽ phải cam kết một số điều khoản: Làm việc ít nhất 5 năm và chịu sự quản lý, phân công của cơ quan có thẩm quyền của tỉnh. Trong thời gian làm việc theo cam kết, nếu tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, chuyển công tác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan công tác trong thời gian 2 năm liên tiếp... thì phải bồi hoàn 100% số tiền trợ cấp đã nhận. Nếu không hoàn trả, hoặc hoàn trả chậm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đề án được phê duyệt 36 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để triển khai. Theo kế hoạch, đề án sẽ thu hút mỗi năm khoảng 22 bác sĩ và đến năm 2020 sẽ thu hút được 150 bác sĩ, trong đó bác sĩ trình độ cao chiếm khoảng 3/4. Tuy nhiên, tính đến nay, đề án chưa thu hút được bác sĩ nào.

Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang cần chế độ đãi ngộ của tỉnh để “giữ chân” bác sĩ giỏi.  Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Lê Lợi.Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Bà Rịa.

Tại buổi làm việc với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2009-2018 trên địa bàn tỉnh, Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế đã lý giải những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Đề án. Theo Bác sĩ Phạm Minh An, nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là sự “cạnh tranh”. Thời điểm xây dựng đề án, chính sách đãi ngộ theo đề án là khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, về sau này, các tỉnh, thành cũng đều có chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ, thậm chí có nơi còn cao hơn so với BR-VT. Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng có mức thù lao rất hấp dẫn, cạnh tranh lấn át với các cơ sở y tế công lập.

Một bác sĩ từng có 10 năm làm việc tại một BV công lập ở BR-VT, nay đã chuyển đến địa phương khác, chia sẻ: "Trước đây, làm ở BV công ở BR-VT, mức lương tôi được hưởng vào khoảng 8 triệu đồng/tháng. Khi có lời mời về làm việc cho một bệnh viện tại Đồng Nai với mức lương 40 triệu đồng/tháng tôi đã quyết định ra đi. Tôi cảm thấy cần phải lựa chọn như vậy vì mình xứng đáng được hưởng thu nhập cao hơn, tương ứng với công sức lao động và trình độ chuyên môn của mình”.

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhi sinh non bị suy hô hấp tại Khoa Nhi, BV Bà Rịa.
Bác sĩ thăm khám một bệnh nhi sinh non bị suy hô hấp tại Khoa Nhi, BV Bà Rịa.

Không chỉ đối mặt với áp lực cạnh tranh, việc đề án thất bại một phần do tiêu chí, điều kiện lựa chọn đối tượng thu hút theo đề án đưa ra quá cao khiến cho đối tượng thu hút bị hạn chế. Chẳng hạn, đối tượng 1 được hỗ trợ 300 đến 350 triệu đồng phải là bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học (tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I, thạc sĩ) được đào tạo tại các trường Đại học Y Hà Nội, ĐH Y dược Huế, ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ. Những bác sĩ này phải là người có uy tín trong ngành, có kinh nghiệm công tác từ 10 năm trở lên. Đối tượng 2 được hỗ trợ 250 triệu đồng phải là những bác sĩ có trình độ tương đương ở đối tượng 1 nhưng có kinh nghiệm công tác từ 5 năm đến dưới 10 năm. thực tế cũng đã có nhiều hồ sơ của các bác sĩ tỉnh khác nộp về Sở Y tế xin tham gia Đề án nhưng lại không đạt các tiêu chí. 

ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN

Hiện nay, ngành y tế BR-VT đang rất thiếu nhân lực và luôn có nguy cơ “chảy máu chất xám”. Kể cả những BV tuyến tỉnh cũng xảy ra tình trạng bác sĩ có chuyên môn cao nghỉ việc, chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân hoặc chuyển công tác về các tỉnh, thành khác. Do đó, theo đề xuất của các cơ sở y tế công lập, đề án cần điều chỉnh đối tượng, tiêu chí sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Nên tập trung vào việc “giữ chân” đội ngũ bác sĩ đang công tác tại địa phương, sau đó mới tính tới việc thu hút bác sĩ có chuyên môn cao ở các tỉnh, thành khác. Đương nhiên, giải pháp tối ưu vẫn là cùng lúc thực hiện được 2 nhiệm vụ: vừa giữ chân được bác sĩ giỏi, vừa thu hút thêm được người tài. Nhưng khó khăn khi thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ này là kinh phí.

Đề án “Chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế” đến 2020 nhằm thu hút nhân lực có chuyên môn cao ở một số chuyên khoa thuộc hệ nội, ngoại, sản và nhi tại BV Bà Rịa, BV Lê Lợi và bổ sung bác sĩ để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở trạm y tế. Mục tiêu cụ thể của đề án là thu hút mỗi năm khoảng 22 bác sĩ và đến năm 2020 sẽ thu hút được 150 bác sĩ, trong đó bác sĩ trình độ cao chiếm khoảng 3/4.

Bác sĩ Nguyễn  Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt tỉnh BR-VT cho biết: “Hiện nay, BV Mắt đang có 16 bác sĩ, trong đó có 13 bác sĩ có trình độ sau đại học. Xác định việc giữ chân đội ngũ bác sĩ trình độ cao công tác lâu dài tại BV là rất quan trọng, do đó, những năm qua, BV đã áp dụng nhiều chế độ đãi ngộ. Chẳng hạn, ngoài thu nhập tăng thêm mỗi tháng 2 triệu đồng, BV tạo điều kiện cho các bác sĩ có thêm thù lao từ tiền phẫu thuật, thủ thuật. Hiện nay, BV đã có mức thù lao cho bác sĩ trung bình hơn 10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, nguồn chi phí của BV có hạn nên nếu có kinh phí hỗ trợ từ đề án thì sẽ rất tốt”.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, mới đây, Sở Y tế đã đề xuất điều chỉnh nội dung đề án. Việc điều chỉnh tập trung vào chính sách đãi ngộ về thu nhập để “giữ chân” đội ngũ bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập, đồng thời tạo sức hút nguồn bác sĩ có chuyên môn cao. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất một số chính sách khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại các cơ sở y tế vùng khó khăn, huyện Côn Đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.