Phòng chống bệnh dại đúng cách

Thứ Hai, 05/11/2018, 16:57 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ động vật sang người, có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị súc vật cắn, người dân cần đến cơ sở y tế để tiêm ngừa vắc xin, không tự ý chữa trị.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.

Cách đây khoảng 10 năm, BR-VT là “điểm nóng” ở khu vực phía Nam về bệnh dại. Trong 5 năm (2008-2012), toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại từ súc vật cắn. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó đặc biệt quan tâm công tác tiêm vắc xin phòng dại cho người dân. Tại 2 Xuyên Mộc và Châu Đức (nơi có nhiều ca tử vong do bệnh dại), từ tháng 9-2013 đến nay, người dân được tiêm ngừa phòng dại miễn phí nếu không may bị súc vật cắn. Công tác truyền thông phòng chống bệnh dại cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh còn chủ động phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại trên động vật nhằm tránh lây lan sang người và huy động sự tham gia của các đoàn thể xã hội vào công tác phòng chống bệnh dại.

Qua đó, ý thức người dân về bệnh dại được nâng cao, chủ động đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại khi bị súc vật cắn, thay vì đến “thầy lang” để chích lể như trước. Đến nay, số người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để tiêm phòng vắc xin dại ngày một nhiều. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 lượt người đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin dại, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2017. Hai địa phương có số người tiêm phòng dại cao nhất là TP.Vũng Tàu và huyện Châu Đức.

Bà Phạm Thị Nụ, xã Cù Bị, huyện Châu Đức cho biết: “Trước đây, mỗi khi bị chó cắn, người dân trong xã thường không đến cơ sở y tế để tiêm phòng, mà chỉ lấy lá cây đắp. Hiện nay, sau khi được cán bộ y tế tuyên truyền, giải thích, bà con trong xã đã chủ động đi tiêm phòng nếu bị chó cắn, đồng thời chủ động tiêm ngừa bệnh dại cho chó nuôi trong nhà”. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nhận định: “Hiện nay, nhận thức của người dân về bệnh dại đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đây, tình trạng người dân tự ý đi chích, lể, lấy nọc, đắp lá… sau khi bị súc vật cắn rất phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, do đó có nhiều ca tử vong vì bệnh dại. Từ khi UBND tỉnh triển khai tiêm ngừa miễn phí vắc xin dại ở 2 địa bàn trọng điểm (huyện Xuyên Mộc và Châu Đức) và ngành Y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết về bệnh dại cho người dân thì tình trạng tử vong do bệnh dại đã chấm dứt. Trong 5 năm trở lại đây, BR-VT chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiếu, hiện nay, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa hiểu đúng về vắc xin phòng ngừa bệnh dại, cho rằng sau tiêm vắc xin, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ học khẳng định, vắc xin phòng bệnh dại cũng như các loại vắc xin phòng bệnh khác, tính an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Ở nhiều quốc gia, người dân còn chủ động tiêm vắc xin như các loại vắc xin khác (tiêm khi chưa bị phơi nhiễm). 

Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ động vật sang người. Khi bị chó, mèo, chuột, dơi, cầy, chồn, cáo, bò hay một loại động vật hoang dã bất kỳ khác cắn, cào…, người dân phải xử lý ngay lập tức bằng cách: Rửa xà phòng từ 3-5 phút, không nặn máu, không bôi bất cứ thứ gì lên vết cắn, để hở vết cắn và đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm ngừa bệnh dại. Đối với những người có tiếp xúc với chó, mèo thường xuyên như: Cán bộ thú y, người giết mổ chó, nhân viên cứu hộ tại các cơ sở thú y… nên chủ động tiêm ngừa khi chưa bị phơi nhiễm.

Bài, ảnh: HOA VIỆT
(Trung tâm TT-GDSK tỉnh)

;
.