Người nặng lòng với sách cũ

Thứ Sáu, 03/08/2018, 09:51 [GMT+7]
In bài này
.

Tại TP.Bà Rịa có một cửa hàng sách cũ đã tồn tại hơn 20 năm và là địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ học trò: cửa hàng sách cũ Hiếu Trung (176/172, Hùng Vương, phường Phước Hưng). Đến cửa hàng, khách còn được nghe tâm sự về những nỗi niềm với sách của bà chủ Ngô Thị Kim Vân (53 tuổi) - người đã dành hơn nửa cuộc đời vì tình yêu sách. 

Bà Kim Vân (bìa trái) hướng dẫn khách chọn mua sách cũ.
Bà Kim Vân (bìa trái) hướng dẫn khách chọn mua sách cũ.

“Cô tìm cho con 4 bộ sách giao khoa lớp 6, 7, 8, 9 nha”. “Khỏi cần tìm. Có người vừa bán cho cô. Con xem qua, được thì lấy”, bà Kim Vân trả lời. Sau gần 5 phút lật giở kiểm tra, vị khách trẻ gật đầu và đề nghị tính tiền. 4 bộ sách chỉ hết 150 ngàn đồng. Vị khách trẻ đó là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SV năm 3, khoa tiếng Anh, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa). Chị nhận xét: “Bà chủ mua bán nhanh, vui vẻ. Tuy là sách cũ nhưng vẫn còn mới, giá lại rẻ hơn rất nhiều so với sách mới. Tôi đã giữ thói quen mua sách ở cửa hàng từ ngày còn nhỏ đến nay”.

Trong gần 1 giờ đồng hồ có mặt tại cửa hàng, chúng tôi đếm được hơn chục lượt khách đến mua - bán sách, báo. Những câu chuyện trò giữa chủ và khách như: “Bộ sách em dặn còn thiếu 2 cuốn”; “Tối ghé nhà cô đưa thêm cuốn truyện tiếng Anh là đủ bộ”; “Còn Conan thì gom cho cô, nay khách hỏi nhiều”; “Giờ ít người bán báo lắm, còn 1kg em lấy xài đỡ nha”… đủ để thấy chủ và khách đã nhiều lần gặp gỡ, chuyện trò và có mối quan hệ rất gần gũi, không phải chỉ là quan hệ giữa người bán với người mua. 

Bà Kim Vân kể về lý do đến với sách: “Tôi có thói quen đọc sách từ nhỏ. Năm 1992, sau một lần lên TP.Hồ Chí Minh chơi, tôi mua được khoảng 50 cuốn sách và truyện từ một người bán ve chai. Nhận thấy xung quanh có vài người cũng cất công từ Bà Rịa lên TP.Hồ Chí Minh tìm mua sách nên tôi nảy sinh ý định mang sách đi bán trước cổng Trường THPT Châu Thành (đường 27-4). Vừa bày ra, chỉ một loáng là hết”. 

Ban đầu, bà bán sách di động kiểu “chạy chợ” trước các trường học, công viên, chợ. Năm 1995, bà thuê được một mặt bằng nhỏ trước Trung tâm y tế TP.Bà Rịa (57, Nguyễn Thanh Đằng, phường Phước Hiệp). Bà kể, giai đoạn từ 1995 đến 2010, người mua sách nhiều. Cửa hàng sách của bà lại gần các trường học như: THCS Kim Đồng, Tiểu học Nguyễn Thanh Đằng, THPT Châu Thành nên trước giờ vào lớp và sau giờ tan học, lúc nào cũng nườm nượp HS vào đọc, mua truyện, sách, còn người lớn thì tìm mua sách văn chương, đắc nhân tâm. Vào mùa hè, bà phải ăn ngủ tại cửa hàng vì trẻ em đến mua, đổi truyện, sách suốt ngày, đến tối mịt. “Mỗi lần cửa hàng hết sách, tôi lại lên TP.Hồ Chí Minh lùng mua sách cũ từ các vựa ve chai về bán cho người “thèm” sách. Bây giờ, nguồn sách sẵn có, chỉ cần gọi điện đặt hàng là vài tiếng sau sách được gửi. Nhưng, người tìm mua sách không còn nhiều như trước nữa vì bây giờ sách mới và các loại sách điện tử có sẵn”, giọng bà Vân chùng xuống. 

Ngoài bán sách cũ, bà Vân còn là cầu nối giúp những người có đồ cũ, đã qua sử dụng đưa đến tay những người cần. Bà kể, nhiều người khi đưa sách cũ đến bán còn cho luôn cặp, giày, dép, hộp bút, vật dụng cá nhân cũ của con, cháu họ và nhờ bà chuyển cho những người nghèo khó.   

Hiện tại, cửa hàng của bà bán gần 10.000 quyển sách cũ như: sách tâm lý, văn học, giáo dục, từ điển, sách giáo khoa… Nhiều người trước đây từng mua sách của bà, nay đã trưởng thành vẫn không quên tìm đến cửa hàng sách của bà để mua sách cho con. Cô Lê Thị Kim Hoa, giáo viên trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP. Vũng Tàu chia sẻ, cô đã mua sách ở đây gần 20 năm trước. Dù cửa hàng đã đổi địa điểm 3 lần nhưng cô vẫn đi tìm vì một phần vì kiến thức giá trị từ các bản sách cũ phần khác là do bị lôi cuốn bởi kiến thức sâu rộng về sách, tính cách thẳng thắn nhưng thương người của bà chủ. “Bà đã gieo vào lòng nhiều bạn trẻ tình yêu với những cuốn sách cũ, sờn mốc nhưng ẩn chứa giá trị của thời gian, tri thức và thói quen đọc sách. Bây giờ, điện thoại thông minh, ipad dù có phong phú thông tin, kiến thức, nhưng vẫn khó mà thay thế sách in được”, cô Lê Thị Kim Hoa nói. 

Theo bà Vân, từ năm 2015 đến nay, cửa hàng chỉ đông khách những ngày hè do lượng phụ huynh, HS đến mua - bán sách giáo khoa, truyện nhiều hơn. Vào năm học mới, nhiều khi ngồi cả ngày không có một bóng khách. Do vậy, thu nhập từ cửa hàng sách cũng bấp bênh, trong khi tiền thuê mặt bằng ngày càng cao. Tuy nhiên, không vì thế mà bà có ý định bỏ nghề. Bởi với bà, công việc này không chỉ đơn thuần là việc mưu sinh qua ngày mà còn góp phần mang lại tri thức cho mọi người.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

;
.