Đừng nhận lỗi như cái máy!

Thứ Sáu, 03/08/2018, 09:51 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Vợ chồng trẻ có lúc cãi nhau chí chóe cũng là chuyện bình thường. Điều sợ nhất là họ chẳng bao giờ cãi nhau, cứ im lặng nhận lỗi về mình hoặc tặc lưỡi bỏ qua mọi chuyện dẫu không hài lòng vừa ý, đến lúc “chín muồi” mới nổ ra một trận “long trời lở đất” thì lúc ấy vô phương cứu chữa! 

Quá trình chung sống không chỉ những lúc nhỏ to tâm sự, chia ngọt sẻ bùi mà cãi vã cũng là dịp vợ chồng hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý ngại “đụng chuyện” sợ ồn ào ảnh hưởng đến con cái, mất mặt với láng giềng, đồng nghiệp nên luôn giữ trong đầu câu “bùa chú thần kỳ”: “Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi!”. Theo họ, đây là cách xoa dịu cơn giận của đối phương một cách nhanh nhất. Dù không hề có lỗi nhưng họ vẫn tuôn ra lời nhận lỗi như cái máy, miễn sao người kia im lặng, không chì chiết gì thêm nữa là đỡ nhức đầu. 

Nói gì cho xa, chuyện của tôi đây. Hôm đó, tôi đi liên hoan mừng sếp mới nhậm chức nhưng mãi đến lúc khuya khoắt mới về đến nhà. Vợ cáu quá, bèn quát: “Sao giờ này anh mới vác xác về? Lại tí tởn với cô nào chứ gì?”. Nghe câu “xóc hông” ấy, tôi bèn phân trần. Nàng dù vẫn “thỏ thẻ giọng oanh vàng” nhưng chuyển chủ đề: “Anh hay ho, anh giỏi giang, anh gương mẫu, anh đứng đắn, anh đáng khen nhất nhà. Vậy chớ hồi mới cưới nhau, ai có lần đi sinh nhật bạn mà về đến nhà còn nôn ói mật xanh mật vàng? Ai? Anh hay em?”. Tôi bèn nói luôn: “Lỗi tại anh”, rồi im phăng phắc. 

Quan niệm “dĩ hòa vi quý” này, có nên phát huy không? Tất nhiên là không. 

Những mâu thuẫn, va chạm nếu không giải quyết “ra môn ra khoai” ắt có nguy cơ tái diễn. Chị bạn tôi kể, không biết do ai mách lẻo mà dạo này chồng nghi ngờ chị lăng nhăng với ai đó. Lẽ ra phải giải thích nhưng chị chỉ im lặng vì không muốn nghe anh cằn nhằn. Từ đó, chồng chị cho rằng, nghi ngờ của mình chẳng sai chút nào, có điều chưa bắt được quả tang thôi. Ngày nọ, đang làm việc trong công ty, bỗng dưng cô vợ xây xẩm mặt mày ngất xỉu. Anh trưởng phòng khỏe mạnh nên nhanh chóng ẵm chị lên taxi, rồi theo các đồng nghiệp nữ đưa chị vào bệnh viện. Sau khi biết chuyện, anh chồng lại càng nghi ngờ, sao tay trưởng phòng đẹp trai cao ráo kia lại mới vừa ly dị vợ mà không là ai khác? Chắc có “động lực” từ vợ mình? Anh gặng hỏi, chị chỉ im lặng, sợ ngượng với đồng nghiệp. Thế là nỗi ngờ vực của chồng càng âm ỉ.

Sống trong tình trạng dò xét, nghi ngờ nhau là nổi khổ tâm của cả hai. Chi bằng khi đứng trước một “sự cố” nào đó, cả hai mạnh dạn trao đổi, mổ xẻ đến cùng, dù mệt đầu nhưng cách làm tích cực ấy mới có thể giải quyết dứt điểm. Có những người, dù chưa nghe người này cằn nhằn hết câu đã lập tức xin lỗi, nhận lỗi về mình, dù trong lòng không hề tâm phục khẩu phục. Do đó, lòng vẫn còn ấm ức lắm, biết là oan nhưng cũng chép miệng chỉ vì: “Thôi kệ, nhận lỗi cho nó xong”. 

Mà có xong được đâu. Do nghĩ mình không có lỗi gì nên lần sau vẫn cứ tái diễn rồi lại tiếp tục ca bài: “Lỗi tại tôi” như cái máy phát thanh! Riết rồi, người nghe chẳng còn tin vào câu “thần chú” ấy nữa. Lúc ấy, vợ/chồng chì chiết: “Lần trước xin lỗi, nhận lỗi rồi nhưng nay có thay đổi gì đâu?”. Có khi lại “chụp mũ” một câu như đinh đóng cột: “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Nghe câu kết luận ấy, ai chịu cho thấu? Thế là, ban đầu chuyện bé xíu bỗng hóa ra to bằng trái núi.

Nhà thơ Yến Lan có câu thơ nói đúng tâm lý của nhiều người: “Giữa lúc em dỗi hờn/Thơ anh thường kịp đến”. Lúc người này không hài lòng việc gì, thay vì giải thích, phân bua, trao đổi với nhau thì người kia bèn tặng món quà đắt tiền; hoặc bài thơ, bản nhạc thương yêu não nùng như “thay lời muốn nói” cho nhanh gọn. Phương thức ấy, có thể so sánh một cách nôm na, khi trong nhà có rác, thay vì ra tay quét dọn sạch sẽ, người ta lại lấy tấm thảm nhung mỹ miều che đậy lên trên. 

 Có “bệnh” thì phải chữa dứt điểm, không thể xuê xoa, vuốt ve cho qua. Khi đối phó bằng cách cứ nhận phứa lỗi về mình “lỗi tại tôi” cho xong chuyện, nghĩ cho cùng cũng là chọn cách uống thuốc an thần giảm đau tạm thời. Vợ chồng sống với nhau không chỉ ngày một ngày hai mà trao thân trọn đời, vì thế không việc gì phải “nhún mình” tiêu cực đến thế. Chúng ta cứ mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi quan niệm, sở thích thì cũng là dịp cả hai hiểu rõ, thông cảm cho nhau hơn. Mà việc vun đắp hạnh phúc luôn cần những yếu tố đó. 

LÊ MINH QUỐC

;
.