CHUYỆN NHÀ

Đi làm hay ở nhà nội trợ?

Thứ Sáu, 03/05/2019, 09:05 [GMT+7]
In bài này
.

Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ môi trường, Lan làm kỹ sư kiểm định môi trường cho DN nước ngoài với mức thu nhập khá ổn. Còn Huấn-chồng Lan là giảng viên Đại học. Cưới nhau, trong 3 năm, Lan lần lượt sinh một trai, một gái. Sức khỏe yếu, công ty cách xa nhà, 2 đứa con “hột gà hột vịt” trong khi cha mẹ hai bên không hỗ trợ được, nên Lan đành nghỉ việc, ở nhà nội trợ, chăm con. Lan tự nhủ khi hai bé cứng cáp sẽ xin đi làm lại. 

Nhưng dự định ấy, hóa ra kéo dài tới hơn 10 năm. Ban đầu là do hai con còn nhỏ, hay ốm đau. Sau đó các con lần lượt vào tiểu học, Lan dành thời gian đưa rước, kèm con học, lo việc nhà. Cứ thế, tới giờ con lớn của Lan đã học lớp 5, bé sau học lớp 3 mà Lan vẫn ở nhà. Mặc nhiên mọi việc, từ dọn dẹp, nấu ăn, ủi đồ cho chồng, kèm con học và hàng trăm việc không tên khác đều dồn lên vai Lan. Thỉnh thoảng, Lan cũng thử kinh doanh online quần áo, món ăn do Lan làm, nhưng lời lãi không bao nhiêu do thiếu kinh nghiệm, chưa có lượng khách ổn định. Lan nản, lại thôi, không làm. Mặc dù thu nhập của Huấn khá cao, Huấn cũng tự giác mang hết lương về cho vợ. Thêm vào đó là tiền cho thuê tầng trệt căn nhà của vợ chồng Lan nên cuộc sống của gia đình vẫn ổn. Nhưng có điều, sự tôn trọng của Huấn dành cho vợ cũng giảm bớt, nhất là khi Lan ăn mặc xuề xòa, ngại trang điểm, ngại tham gia các hoạt động, các tour du lịch do trường Huấn tổ chức cho cán bộ, giảng viên và người nhà.

Lan hỏi ý tôi rằng em muốn lấy lại mặt bằng, mở shop bán quần áo hoặc tiệm tạp hóa. Tôi bảo em nên tham khảo ý kiến chồng vì tính Huấn vốn kỹ, sắc sảo. Nhưng Lan gạt đi: “Ảnh ích kỷ lắm. Em nghỉ việc bao nhiêu năm, giờ đã gần 40 tuổi, lại kêu em đi làm. Ảnh bảo sẽ xin việc cho em, còn căn nhà cứ cho thuê để có nguồn thu. Chị coi đó, giờ em không còn tự tin đi làm, rồi đi làm không hợp, lại nghỉ nữa hay sao. Rồi còn bọn trẻ, ai sẽ đưa rước con?”.

Ngồi nói chuyện với Lan, tôi phân tích cho em rằng việc đi làm là cần thiết, để em khỏi lạc hậu. Việc nhà, đưa rước con nên phân chia tùy thuộc vào thời gian của hai vợ chồng. “Chị thấy chồng em đúng đấy. Em cứ đi làm lại đi, rồi mọi chuyện sẽ ổn”.

Mất khoảng gần một năm để thu xếp việc nhà, ôn luyện kiến thức và làm tốt việc cơ quan, giờ Lan đã trở lại là cô kỹ sư năng động ngày nào. Đi làm, Lan soạn sửa hơn, chú ý trang phục vừa gọn gàng, vừa thời trang. Huấn chủ động thuê người giúp việc nhà theo giờ, dạy con đi xe đạp để tự đi học. Sáng sớm, Lan dậy đi chợ, sơ chế đồ ăn rồi bỏ tủ lạnh. Sau khi đi làm về, Lan vào bếp, nấu những bữa ăn bổ dưỡng cho cả nhà. Còn Huấn, thay vì tụ tập bạn bè thường xuyên như trước, Huấn chủ động về giúp vợ nấu cơm, hai đứa trẻ cũng lăng xăng phụ ba mẹ dọn chén đũa, bày biện bàn ăn. Sau bữa cơm tối, hai con tự giác ngồi vào bàn học, không chờ mẹ nhắc nhở như trước. Sắp xếp được thời gian, Huấn đăng ký tập luyện tại CLB cầu lông, Lan cũng đi tập yoga để tăng cường sức khỏe. Lan đã vui vẻ, rạng rỡ, xinh đẹp, khác hẳn vẻ cam chịu, u buồn của một người phụ nữ chỉ ở nhà trong nhiều năm. 

Lan bảo, nếu hồi đó Huấn không “ích kỷ” thì chắc Lan vẫn ở nhà, vẫn là người phụ nữ lạc hậu, tụt lùi so với bạn bè. Nhìn bức hình mới nhất cả nhà Lan hạnh phúc đi du lịch cùng công ty Huấn, ai cũng nhận ra nét tươi trẻ của Lan và sự hãnh diện của Huấn khi bạn bè khen cả nhà đẹp, vợ trẻ, con ngoan… Thỉnh thoảng, Lan nhắc lại chuyện năm ngoái, khi tôi khuyên Lan trở lại với công việc. “Cũng may mà em quyết định nghe lời chị và chồng em, chứ không bỏ phí kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm đi học, đi làm. Em thấy tự tin hơn bao giờ hết, khi mình có thể độc lập kiếm tiền. Dù thu nhập không bằng chồng, nhưng giá trị lớn nhất em nhận được, là sự tôn trọng của chồng và các con dành cho mình”, Lan nói.

THẢO NGUYÊN

 
;
.