KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ:

"Chín năm làm một Điện Biên"

Thứ Sáu, 03/05/2019, 08:37 [GMT+7]
In bài này
.

Với hầu hết những người dân Việt thì chiến thắng Điện Biên mãi là niềm tự hào lớn lao vĩ đại. Đây cũng là mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể từ khi thành lập. “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc và thơ ca.

Bài “Chiến thắng Điện Biên” với phần mở đầu quen thuộc: Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...” . Ảnh minh họa
Bài “Chiến thắng Điện Biên” với phần mở đầu quen thuộc: Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...” . Ảnh minh họa

Chiến thắng Điện Biên được coi như là một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa đánh dấu thắng lợi của tinh thần đoàn kết, sức mạnh quật khởi, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nó vừa là dấu chấm, kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” vừa là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc và thơ ca. Có những tác phẩm mặc dù ra đời cách đây rất lâu nhưng vẫn được người dân nhiệt tình đón nhận với những tình cảm tốt đẹp nhất. Những vần thơ những bài ca cách mạng đó đã góp phần đánh thức và nuôi dưỡng tinh thần Cách mạng, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, niềm tự hào cho bao thế hệ người Việt Nam.

Đã có một khối lượng rất lớn tác phẩm âm nhạc và thơ ca về Điện Biên Phủ, được sáng tác kéo dài trong suốt mấy chục năm qua, tập trung nhất là trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hầu hết những nhà thơ lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu… các nhạc sĩ lớn như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân… đều đã có những tác phẩm sống mãi với thời gian trong thời gian này.

Về âm nhạc, phải kể đến đầu tiên có lẽ là Tổ khúc 5 bài hát về rừng núi Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trong đó bài hát cuối cùng: bài “Chiến thắng Điện Biên” với phần mở đầu quen thuộc: Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui... Giai điệu đó đã thành khúc ca chiến thắng bất hủ khi được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Việt Nam trong suốt nhiều thập niên dài.

Bên cạnh “Chiến thắng Điện Biên” thì những bản nhạc như “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao, “Đường lên Tây Bắc” của Nguyễn Thành, “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh… cũng là những tác phẩm về Điện Biên Tây Bắc ghi được dấu ấn trong lòng khán giả suốt bao năm qua.

Cùng với âm nhạc, thơ ca cũng có những đóng góp rất lớn về đề tài chiến thắng Điện Biên. Ngay từ ngày đầu chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận đã viết bài “Tặng bộ đội Điện Biên Phủ” với giọng thơ chắc khoẻ như một lời hiệu triệu, thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, qua những câu thơ: “Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá/Núi cao, chí khí ta còn cao hơn/Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được/Gian khổ không thể làm lòng ta sờn.

Và không phụ lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” chúng ta đã có một chiến thắng Điện biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để làm “Món quà chúc thọ” sớm sinh nhật lần thứ 64 của Người. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng còn làm bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” với những ngôn từ bình dị, tự nhiên nhưng rất đỗi truyền cảm, vừa nói lên niềm vui chiến thắng vừa động viên quân và dân ta vững tin ở sự lớn mạnh của mình “Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/Quân ta vui hát “khải hoàn ca”… Thế là quân ta đã toàn thắng/Toàn thắng là vì rất cố gắng”.

Nhắc tới chiến thắng Điện Biên, chắc chắn không ai có thể quên được bài thơ được coi như bản “Đại cáo bình Tây” của thời đại Hồ Chí Minh: Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu. Những vần thơ gắn với chiến thắng vĩ đại ấy đã trở thành tài liệu sống động cho một thời đại hào hùng không thể nào quên khi diễn tả đầy đủ, chân xác những gì liên quan đến chiến dịch; từ niềm vui vỡ òa khi nhận được tin vui thắng trận, những lời ngợi ca đất nước vinh quang, ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngợi ca vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp, ngợi ca các chiến sĩ Điện Biên anh dũng tuyệt vời. Cho đến những câu thơ trữ tình làm nên cái kết tươi xanh tuyệt đẹp: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”. Với tài năng và cảm xúc cuồn cuộn dâng trào trong tim, Tố Hữu như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong “Chân dung và đối thoại”: “...đã biến những con số, những tư liệu khô khan ... thành tình cảm, giai điệu và bao phủ lên nó là một bầu không khí hừng hực. Bầu không khí Điện Biên”. Và tuy bất ngờ nhưng sự thực là bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ra đời chóng vánh, hoàn thành trong vòng chưa đầy 2 ngày ấy đã trở thành một đỉnh cao của thơ ca chống Pháp. Cùng năm 1954, nhờ cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên vĩ đại, Tố Hữu còn sáng tác hai bài thơ xuất sắc khác, đó là bài “Ta đi tới” (8-1954) và “Việt Bắc” (10-1954) với những câu khái quát khí thế hào hùng của cả dân tộc: Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa/ Chúng nó chẳng còn mong được nữa/ Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng/ Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời cách mạng… “. và hình ảnh những đoàn quân trùng điệp, những đoàn dân công đỏ đuốc với “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay” cùng khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên cũng đã khơi dậy một niềm tin vô biên về tương lai tươi sáng của toàn dân tộc:

“Những đường Việt Bắc của ta/Đêm đêm rầm rập như là đất rung/Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/Dân công đỏ đuốc từng đoàn/Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay/Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

Không riêng gì Tố Hữu, Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng từng tiết lộ những câu thơ đắt giá “Súng nổ rung trời giận dữ /Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong bài “Đất nước” của ông cũng là nhờ âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng trưa ngày 7-5-1954, mà có. Âm vang của những ngày hào hùng sôi động đó cũng khiến thần đồng thơ Trần Đăng Khoa viết lên những câu thơ ấn tượng trong bài thơ Một chiều hè lịch sử mà rất nhiều trẻ em có thể thuộc lòng: “Bố kể chuyện Điện Biên/ Bộ đội mình chiến thắng /Lũ Tây bị bắt sống /Ta giải đi từng hàng /Tướng Đờ Cát xin hàng /Bốt đồn đều san phẳng /Cờ quyết chiến quyết thắng /Tung bay trên nóc hầm /Chiều mùng bảy tháng năm /Một chiều hè lịch sử”.

65 năm qua nhưng những sáng tác về chiến dịch Điện Biên vẫn in đậm dấu ấn trong thi ca và âm nhạc Việt Nam, khiến cho mỗi lần đọc, nghe lại những vần thơ những bài ca cách mạng đó mỗi người chúng ta lại cảm thấy rạo rực niềm vui, niềm tự hào về đất nước.

AN AN

;
.