Uốn lưỡi bảy lần trước khi khen... vợ chồng người khác!

Thứ Sáu, 03/05/2019, 09:04 [GMT+7]
In bài này
.

Một khi đã là vợ chồng rồi, “một nửa” của họ đẹp xấu thế nào, tự họ biết là đủ, cần gì người ngoài phải bình phẩm. Mà dù thế nào đi nữa, họ cũng đã có chung nhau vài mặt con, hà cớ gì phải quan tâm, nói ra nói vào. 

Một trong những “nguyên tắc” cần thiết trong giao tế là đừng hà tiện lời khen. Có thể lời khen ấy là thật, nhưng đôi khi vì xã giao, muốn “lấy lòng” vẫn tuôn ra dạt dào. Khen một câu, nào chết ai? Người nghe, dù biết có “nói quá”, có “ưu ái”, có “hống lên” nhưng cũng chẳng sao. Sự xởi lởi này khiến mối quan hệ dù sơ giao, dù thân thiện cũng trở nên cởi mở, nhẹ nhàng, thân mật hơn. Tuy nhiên, có trường hợp chớ nên vồn vã, hấp tấp buông ra lời khen dù thật lòng, nhất là lúc vợ chồng người ta đi chung với nhau.

Một khi đã là vợ chồng rồi, “một nửa” của họ đẹp xấu thế nào, tự họ biết là đủ, cần gì người ngoài phải bình phẩm. Mà dù thế nào đi nữa, họ cũng đã có chung nhau vài mặt con, hà cớ gì phải quan tâm, nói ra nói vào.
Minh họa: MINH SƠN

Mới đây thôi, vợ chồng tôi cãi nhau chí chóe, mấy ngày liền cơm nước lạnh tanh. Nguyên cớ lãng xẹt, nếu nàng không thốt ra, tôi chẳng thể biết vì sao, đã vi phạm “lỗi lầm” gì. Chuyện là, chiều Chủ nhật đẹp trời cả hai “hâm nóng tình yêu” bằng cách dắt nhau vào một quán ăn sang trọng. Thêm một chút men để món ăn khoái khẩu hơn. Đang lúc ngà ngà say, tôi bật người khi nhìn ra cửa thấy vợ chồng người bạn thân ở nước ngoài vừa bước vào. Mừng quá! Lâu ngày không gặp nhau, tất nhiên, tôi mời họ ngồi chung bàn hàn huyên tâm sự trong giây lát. Sau nhiều ngày xa cách, anh bạn tôi trông béo to, da dẻ trắng tươi, phong độ và “men” hơn trước nhiều lắm. 

Thế là, tôi khen. Mà khen thật lòng, chứ không phải đầu môi chót lưỡi. Sau vài ly cụng nhau, vợ chồng người bạn xin phép qua bàn khác, hẹn gặp lại sau. 

Chỉ có thế. Nhưng khi về đến nhà, tôi kinh ngạc khi nghe lời “góp ý” vừa dịu dàng vừa đay nghiến: “Anh có bị làm sao không. Đàn ông đàn ang gì mà đi khen người cùng giới là đẹp vì có bộ ngực vạm vỡ, tay chân rắn chắc, da dẻ hồng hào. Bộ hết chuyện để khen rồi à”. “Ơ hay, chuyện này bình thường thôi, có gì “nghiêm trọng đâu”. Nghe tôi cãi, nàng tuôn thêm một “tràng tiểu liên”: “Nói thế là nói lấy được, là cãi chày cãi cối. Này nhá, anh có biết lúc anh bóp cánh tay, sờ cà-vạt, săm soi, ngắm nhìn “nhan sắc” chồng người ta, cô ấy đã nhìn anh bằng con mắt gì không. “Con mắt hình viên đạn” đấy! Thấy mà khiếp”. 

Thật vậy à. Có phải vợ tôi dặm thêm “mắm muối”; hoặc lời phê bình ấy có khắt khe quá không? Trước hết, tôi gọi điện thoại cho anh bạn thăm dò xem sao. Anh cười khà khà: “Vợ của cậu nói đúng. Trong suốt bữa ăn hôm đó, bà xã tớ hỏi đi hỏi lại một câu “xanh rờn”: Chẳng lẽ bạn anh mê anh à”. Cậu thấy thế nào?”. 

Thế nào là thế nào. Tôi không ngờ sự tình lại rối đến thế.

Không riêng gì tôi, lúc “tám” ngoài quán nhậu, anh Tấn bạn tôi chia sẻ: “Ngày kia, vợ chồng tớ đi ăn đám cưới, tình cờ ngồi chung với bạn học cũ của vợ. Tớ nóng mũi khi nghe cô bạn luôn miệng khen vợ tớ tài ba, giỏi giang hơn người lại xinh đẹp, trẻ trung như gái chưa chồng”. Tôi buộc miệng: “Thì có sao đâu. Có người khen vợ mình, cũng tốt thôi. Nếu cô ấy “tầm cỡ” như Thị Nở, Chung Vô Diệm, liệu ma nào thèm khen. Ông phải lấy làm sung sướng, tự hào chứ”. Không ngờ, Tấn nghiêm nét mặt: “Vậy hóa ra, tôi đây già khú đế. Tôi không xứng khi đi chung với vợ. Không tài cán gì, chỉ “bám váy” vợ à”. Tôi cười: “Chà, vợ được khen thật mà anh cũng không đồng tình, anh khó tính trái nết quá đấy”. Anh Tấn vẫn giữ bộ mặt lạnh như kem: “Sao anh không nghĩ, cô ta “khen lấy khen để” vợ tôi nhưng không thèm đếm xỉa gì đến tôi, dù chỉ một câu, vậy hóa ra tôi chẳng là “cái đinh” gì khi đi bên cạnh vợ”.

À, thì ra thế. 

Không riêng gì anh Tấn, nhiều người nghĩ rằng, lời khen ấy là nhằm “đá giò lái” sang… mình. Do đó, lúc vợ chồng người ta đi chung với nhau, nếu muốn khen một trong hai người phải nên “nhìn trước ngó sau”, tinh tế, cẩn trọng hơn. Họ không thích nghe người ngoài, nhất là bạn cùng giới khen “vẻ đẹp ngời ngời” của vợ/chồng. Một khi đã là vợ chồng rồi, “một nửa” của họ đẹp xấu thế nào, tự họ biết là đủ, cần gì người ngoài phải bình phẩm. Mà dù thế nào đi nữa, họ cũng đã có chung nhau vài mặt con, hà cớ gì phải quan tâm, nói ra nói vào. 

Rắc rối nhỉ. 

Mới đây, trong cuộc họp mặt cùng bạn học cũ, anh Nhân bạn tôi được vợ cho “tháp tùng”. Nhân thể, bạn bè giới thiệu “một nửa” để mọi người cùng làm quen nhau. Giữa cuộc vui, Nhân hầm hầm cái mặt, đột ngột đứng dậy, kéo tay vợ cái phắt bước ra khỏi bàn tiệc. Tại sao như thế? 

Số là, người bạn ngồi đối diện thỉnh thoảng lại khen anh trẻ đẹp, có nét mặt phong trần rất đàn ông không thua gì diễn viên nổi tiếng nọ, rồi lại khen anh ăn mặc “sành điệu”, vóc dáng trẻ trung… Không rõ vợ anh nghĩ gì, còn anh lại bực bội lắm. Chẳng thà bạn gái của vợ khen, ít ra mình cũng còn “sáng giá”, chứ đồng giới khen nhau thích sướng ích cái nổi gì. Lúc nghe Nhân kể, tôi cười khì: “Anh chàng đó, tớ không rõ khen thật hay xã giao nhưng đó cũng là một cách quan tâm đến chồng của bạn. Người ta lịch sự đến thế thì thôi”. Nào ngờ, Nhân quả quyết: “Cậu còn nai lắm. Chắc chắn thằng chả hồi xưa từng đeo đuổi, tán tỉnh vợ mình nhưng bị “nốc ao”, vì thế, nay biết mình là chồng nên hắn ta mới tìm cách mỉa mai một cách văn hoa chớ khen gì mà khen”. 

Thế đấy, tưởng rằng khen là dễ nhưng không ngờ có những trường hợp cũng oái oăm ra phết. Mà thôi, vợ chồng người ta xấu đẹp thế nào kệ họ. Lúc gặp nhau, cứ bàn chuyện chung hoặc tán gẫu “trên trời dưới đất”, chẳng việc gì phải khen nhan sắc của họ. Dù khen thật lòng đi nữa, cũng có thể không tránh khỏi hiểu nhầm không đáng. Đúng vậy không?

LÊ MINH QUỐC

 
;
.