Gió qua thềm...

Chủ Nhật, 03/01/2021, 08:31 [GMT+7]
In bài này
.

“Thằn lằn cụt đuôi ai nuôi mày lớn.

Dạ thưa thầy con lớn mình ên”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Bà Chín cất tiếng ru nghe buồn thắt ruột. Con Xương dừng tay rọc lá dừa khô, mắt nó nhìn ra bến sông buồn lơ lửng. Bên trong nhà, thằng Đẹt đã ngủ từ lâu, chiếc võng vẫn đều đều theo quán tính cứ như chỉ cần ngưng lại một nhịp thằng Đẹt sẽ òa lên khóc tức tưởi, dỗ kiểu gì cũng không nín. Kể từ ngày con Xương ẵm nó về nhà, bà Chín luôn tìm đủ mọi cách để dỗ nín thằng Đẹt như thể không muốn cho bất ai biết đến sự hiện diện của nó trong căn nhà... Điều đó càng khiến cho người trong xóm xì xầm “hổng chừng con của con Xương đó, chứ em út nỗi gì”.

Má con Xương dứt nó ra khỏi tay bà Chín bằng câu nói “ở đây biết chừng nào mới ngóc đầu lên nổi”. Sau câu nói đó, con Xương quyết định nghỉ học làm người thành phố. Bà Chín khóc muốn hết nước mắt nhưng vẫn không thể nào ngăn được đứa cháu gái cứng đầu. Bữa con Xương gom đồ đi, bà Chín nhét vào tay chai dầu gió, mếu máo nhìn nó. Ở lại với ngoại đi con. Lên đó xe cộ, đường xá không biết đường đâu mà lần.

Con Xương cầm lấy chai dầu gió nhưng hình ảnh về thành phố trong chiếc tivi bé xíu cứ quanh quẩn trong đầu. Những ngọn đèn sáng rực, con đường đông đúc người xe trở thành niềm mong mỏi trong nó. Ở xóm Củ Năng này, đã có đứa trẻ nào có dịp đi thành phố đâu. Cho nên con Xương dúi chai dầu lại vào tay bà Chín. Ngoại giữ lại phòng khi đau nhức. Ở thành phố cái gì mà không có, ngoại hơi sức đâu mà lo.

Chiếc đò Khánh Hội cập bến Củ Năng, mẹ con con Xương nắm níu nhau bước xuống đò, bỏ lại bà Chín đứng thẫn thờ... Bữa đi, con Xương nói Tết sẽ về thăm nhà mà bà Chín ăn đến cái tết thứ tư nhưng bóng dáng con Xương vẫn còn xa hun hút.

***

Con Xương trở về xóm Củ Năng vào một ngày mưa như trút. Người nó quấn bít bùng đủ thứ, đứa nhỏ trên tay nó môi mỏ xanh chành. Bà Chín tay chân lóng ngóng hết xách ghế rồi lại phụ con Xương cất đồ. Miệng bà run run như thể không phát ra thành lời. Đứa bé trên tay con Xương khóc ré, bà Chín buông cái khăn xuống đất nhìn con Xương rã rời sau trận mưa dài.

- Đứa nhỏ này ở đâu vậy con?

Con Xương nhìn bà Chín thở dài. Ngoài trời cơn mưa vẫn không ngừng trút nước.

- Con của má con với ông chồng mới.

- Rồi má mày đâu? Sao mày bồng nó về làm chi?

- Ở trển sống không nổi ngoại ơi.

Con Xương vuốt lưng vỗ cho đứa bé, động tác trông rất thuần thục. Đặt thằng bé xuống võng, con Xương với lấy cái mền rồi cẩn thận gấp lại đắp cho nó. Thằng bé lại nghẹo đầu ngủ thiếp đi. Bà Chín vén tóc lại cho con Xương, bà như lần từng ngõ ngách trong người nó xem có sự đổi thay nào mà bà chưa kịp nhận ra. Ba năm xa cách, con Xương trổ mã hơn nhiều. Nó cao gần bằng bà Chín, giọng nói cũng khác đi, mặt nó bắt đầu nổi mụn li ti. Riêng chỉ có nước da đen là không thay đổi. Bất chợt con Xương sà vào lòng bà Chín, nước mắt nó chảy dài bết cả vào tóc. Bà Chín ngồi vuốt tóc cho nó như ngày nào. Bên ngoài cơn mưa cũng vừa dứt hột.

Con Xương ngủ một giấc ngon lành. Bà Chín tê cứng cả chân nhưng cũng không nỡ đánh thức con Xương dậy. Nó chỉ giật mình thức dậy khi thằng Đẹt kêu khóc. Nó lồm cồm ngồi dậy bồng thằng Đẹt lên xi đái. Bà Chín tá hỏa giật đứa nhỏ từ tay của con Xương, bà vạch miệng của thằng Đẹt ra nhìn. Con Xương nhìn bà Chín thở dài.

- Nó bị từ lúc mới sanh ra rồi ngoại. Người ta nói nó bị hở hàm ếch.

Bà Chín ôm thằng Đẹt vào lòng khóc ngất. Con Xương lặng lẽ ra sau bếp bắc nước sôi pha sữa, nước đã rộn ràng kêu ầm mà nó vẫn ngồi thẫn thờ nhìn những bọt nước trắng xóa ở đầu cây củi ướt.

- Nước sôi rồi kìa con?

Tiếng gọi với của bà Chín làm con Xương giật mình. Nó châm nước vào bình rồi lắc đều. Đoạn nó nhúng bình sữa vào thau nước lạnh, chốc chốc lại đưa lên bóp sữa đổ ra tay coi nóng nguội thế nào, bà Chín coi bận tìm trong bóng hình đó đứa cháu gái nhỏ ngây thơ ngày nào. Thằng Đẹt vẫn khóc ngằn ngặt trên tay bà Chín, con Xương nóng ruột, nó đặt chai sữa xuống bộ vạc rồi chùi hai tay vào quần ẵm thằng Đẹt từ tay bà Chín. Con Xương đỡ thằng Đẹt ngồi vào lòng, hai chân thằng Đẹt giạng ra, nó từ từ đút núm sữa vào miệng thằng Đẹt.

Thằng Đẹt bú một hơi rồi ngoẹo đầu vào lòng con Xương. Bà Chín lui cui dưới bếp nấu cơm chiều, tiếng hát ru của con Xương làm cho buổi chiều ở xóm Củ Năng thêm chút cô đơn. Hàng xóm ghé mắt vào nhà nhìn con Xương đưa võng hát ru. Người xóm Củ Năng đinh ninh “con nhỏ bị dụ lên thành phố có con rồi người ta bỏ, giờ phải ôm con về quê”. Bà Chín đứng trong nhà chửi đổng ra mà con Xương chẳng thèm để ý đến chuyện người ta bàn tán ra sao. Nó bới lại đầu tóc, xuống bếp dọn cơm. Lúc đi nó cũng không quên nói với theo dáng bà Chín đang cầm chổi cùn quét hất ra phía những tiếng người xôn xao.

- Người ta có sức thì người ta nói mà ngoại. Hơi sức đâu mà ngoại bận tâm.

***

Suốt một tháng giấu thằng Đẹt trong nhà, bà Chín luôn canh không cho ai bước vô nhà. Mấy lần con Xương định bồng thằng Đẹt ra ngoài sân tắm nắng mà bà Chín một mực không chịu. Con Xương đành bắc ghế ra sau hè ngồi nhìn đàn cò trắng chập chờn dưới cánh đồng, thằng Đẹt có vẻ thích thú cái khung cảnh bình yên đó, nó cứ nảy ngược ra phía trước mỗi khi thấy con cò, con cá quẫy nước. Con Xương lấy khăn lau nước mũi cho em, tay nó chạm vào vết hở ở môi của thằng Đẹt. Nước mắt nó rơi xuống đất mà thằng Đẹt cứ mải mê nhìn theo cánh cò cõng nắng bay đi.

Bữa bà chủ hụi Mười Thạnh tạt qua nhà nhìn thấy con Xương ẵm thằng Đẹt trên tay, bà đồn khắp xóm chuyện con Xương ẵm về thằng nhỏ bị sứt môi. Người xóm Củ Năng dồn mọi sự chú ý vào căn nhà nhỏ cặp mé mương, những cái chỉ tay khiến bà Chín buồn tan nát. Con Xương nắm tay bà Chín nói giọng buồn buồn.

- Trước sau gì người ta cũng biết mà ngoại. Mình ráng kiếm tiền đưa thằng Đẹt lên Sài Gòn phẫu thuật cho nó nha ngoại.

Bà Chín mếu máo nhìn nó.

- Bộ người ta chữa được hả con?

- Con hỏi rồi, chỉ cần mình có đủ tiền là làm được hà ngoại.

Bà Chín chỉnh lại cái đầu lại cho thằng Đẹt, bà khẽ hôn lên mặt đứa cháu trai đáng thương.

- Thằng nhỏ bảnh quá chừng. Vậy mà…

Đám trẻ con xóm Củ Năng vẫn thường núp ngoài đầu ngõ, chờ cơ hội vào nhìn thằng Đẹt. Bà Chín cũng không còn khó chịu trước hành động của mọi người trong xóm. Điều bà bận tâm bây giờ là làm sao kiếm đủ tiền để tìm lại nụ cười cho đứa cháu trai tội nghiệp.

Nhìn riết rồi quen, người xóm Củ Năng không còn bận tâm đến chuyện của bà cháu con Xương nữa. Đám trẻ con trong xóm cũng không còn hiếu kỳ thập thò ngoài cửa nữa, có đứa còn vào nhà nựng thằng Đẹt, phụ con Xương đưa võng. Tụi thằng Tí, con Lài còn đem đồ chơi qua cho thằng Đẹt hay có bữa tụi nó còn bồng thằng Đẹt đi bắn đạn, tạt lon ngoài ngã tư. Những người già trong xóm, cứ chậc lưỡi nhìn thằng Đẹt “nhìn thương gì đâu”.

Con Xương được bà chủ vựa tôm mướn dọn dẹp trong nhà. Bà chủ vựa tôm cười hề hề lúc người ta nói “nhỏ đó mới ở trên thành phố về, biết có tin được không?”. Bà chủ còn hay biểu con Xương múc đồ ăn về cho thằng Đẹt hay có bữa buồn buồn bà rủ con Xương bồng thằng Đẹt lại nhà cho nó bò qua bò lại trong nhà cho vui. Bà chủ còn tiện tay dúi vào tay con Xương mấy bộ quần áo mới, bà lật thằng Đẹt ra hôn hít đủ đường, thằng Đẹt cười sặc sụa lúc bà chủ vựa tôm “cút hà” làm mặt xấu…

Bà Chín bắc cái bếp lò, kê thêm cái bàn đổ bánh xèo bán trước nhà kiếm đồng vô đồng ra. Những bữa trời mưa, bà cháu con Xương toàn phải ăn bánh xèo thay cơm. Tụi thằng Tí, con Lài cũng được ké phần, tụi nó trả công bằng các đi lượm dừa khô, hái lá chuối giúp cho bà Chín. Hai bà cháu con Xương tằn tiện từng đồng một nhưng mỗi lần nhìn lại chỉ nghe thấy những tiếng thở dài mênh mông…

***

Má con Xương dắt chồng mới về ra mắt gia đình. Bà Chín không thèm quan tâm đến mặt mũi của thằng rể ngang hông ra sao, chắc bà nghĩ sớm muộn gì nó cũng thay thằng khác, nhớ chi cho mắc công. Con Xương lầm lì không thèm để ý đến động tĩnh trong nhà, nó ngồi ôm khư khư thằng Đẹt vào lòng. Má con Xương lắc lắc cái lục lạc đưa về phía thằng Đẹt trong khi ông chồng mới nhảy lên võng nằm khoanh tay ngáy khò khò. Con Xương kéo thằng Đẹt vào lòng lúc nó định quờ tay lấy cái lục lạc, má con Xương bỏ lục lạc xuống nhào lại ẵm thằng Đẹt. Vừa rời khỏi vòng tay của con Xương, thằng Đẹt đã khóc rống lên, má con Xương dỗ bằng đủ thứ đồ chơi mua về vẫn không thể nào làm thằng Đẹt ngưng khóc. Má con Xương đành trả thằng Đẹt cho nó lúc ông chồng nằm trong võng cằn nhằn.

- Um xùm vậy ai mà ngủ nghê cho được!

Mâm cơm chiều trở nên nặng nề hơn khi ông chồng mới chê ỏng chê ẹo thức ăn trên mâm. Vẻ mặt dửng dửng của bà Chín với má con Xương càng làm cho ông chồng mới tức anh ách. Ông chồng lườm nguýt vợ rồi bỏ ra ngoài sân. Tụi thằng Tí với con Lài chạy bán sống bán chết về nhà lúc thấy bộ mặt bặm trợn của ba mới con Xương, thằng Tí còn xém đái trong quần khi thấy ổng cầm khư khư cây kim tiêm chích vào tay, mắt lim dim ngước mặt lên trời.

Chồng mới gãi cổ ngáp hơi dài, nhướng mắt về phía má con Xương. Vẻ mặt sốt ruột muốn rời đi của ông chồng làm má con Xương bối rối. Má nó bước xuống ngồi gần bà Chín, giọng xởi lởi.

- Con tính với má vầy. Má coi thử có được không nha. Má cũng lớn tuổi rồi, má để con dắt hai đứa nhỏ lên Sài Gòn tiện bề chăm sóc. Lâu lâu con dắt tụi nó về thăm má.

Bà Chín nhìn má con Xương ngạc nhiên, có bao giờ con nhỏ dùng cái giọng nhẹ nhàng này đâu. Bà Chín còn chưa kịp nói gì con Xương đã bồng thằng Đẹt lên giọng vang vang.

- Con với thằng Đẹt ở lại đây. Không đi đâu nha ngoại.

Ông chồng mới không còn đủ kiên nhẫn với cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu.

- Nó không chịu đi thì bắt thằng nhỏ đi.

Con Xương bước lùi lại đứng sau lưng bà Chín trong khi thằng Đẹt không ngừng lắc cái lục lạc trên tay. Con Xương lú đầu ra.

- Không ai được bắt em con đi hết.

Má con Xương với tay bồng thằng Đẹt, con Xương dây lưng ra đỡ. Bà Chín kéo má con Xương ra đến nỗi ngã nhào xuống đất. Con Xương cắn vào tay cha dượng hờ, ông tức giận tán cho nó một cú như trời giáng. Chị em con Xương té nhào vô cự củi, thằng Đẹt khóc rống lên mà trên tay vẫn cầm khư khư cái lục lạc. Má con Xương vẫn không bỏ ý định lấy thằng Đẹt ra khỏi tay con Xương. Vừa thấy má nó định cúi xuống bồng thằng Đẹt đi, con Xương đã bồng thằng Đẹt chạy ra ngoài kêu khóc. Hàng xóm chạy sang nhà đông nghẹt, tụi thằng Tí, con Lài còn cầm trên tay một nắm đá. Mấy chú hàng xóm bước vào nhà xem động tĩnh, thím Năm đỡ bà Chín ngồi dậy. Má con Xương cười hề hề.

- Không có chuyện gì đâu. Mấy chú mấy thím về nhà đi. Tui về đây định dẫn hai đứa nó lên Sài Gòn nuôi nấng mà con Xương không chịu đi. Tui đành dẫn thằng Đẹt theo. Chứ má tui già cả rồi, sao chăm sóc cho nó được.

Con Xương bồng thằng Đẹt đứng ở ngoài cửa nói vọng vào.

- Mấy chú thím đừng có tin lời của má con. Má con bắt thằng Đẹt lên Sài Gòn để dẫn nó đi xin tiền người ta đó.

Con Xương nước mắt nước mũi lòng thòng.

- Lúc con ở Sài Gòn, má bắt con ẵm em ngồi ngoài đường xin tiền người ta. Má nói ráng xin được nhiều, má đưa em đi phẫu thuật. Vậy mà con xin được bao nhiêu tiền má cũng đem đi đánh bài, hút chích. Con phải ẵm em trốn về ở với ngoại. Mấy cô chú ơi! Đừng để má con bắt em đi.

Bà Chín kêu khóc, gom hết đồ chọi ra sân. Bà lao vào đấm lên ngực má con Xương thình thịch.

- Tại sao mày ác quá vậy. Nó là con mày đứt ruột đẻ ra mà.

Chồng mới đẩy bà Chín ra, hét lớn.

- Con của người ta. Người ta có quyền bắt, ai dám cản!

Cánh đàn ông xóm Củ Năng đứng chung quanh chị em con Xương, thím Năm giữ bà Chín lại, chỉ tay về phía thằng Tí.

- Bây chạy ù lại ủy ban kêu công an xã lại cho tao. Coi thử ai bắt thằng nhỏ đi được.

Ngó thấy hàng xóm bu quanh, má con Xương nhặt cặp đồ dưới đất kéo tay ông chồng đi về. Ông chồng vừa bước ra khỏi mé lộ đã quay mặt vô nhà chỉ tay về phía cánh đàn ông trong xóm ra chiều thách thức. Bà Chín ôm hai chị em con Xương vào lòng, hàng xóm xung quanh cũng không cầm được nước mắt. Chiều bắt đầu buông xuống trên từng nóc nhà, con Lài lượm lại cái lục lạc đưa cho thằng Đẹt. Cái lục lạc sau mấy lần rơi xuống đất đã không còn phát ra những âm thanh rộn ràng nữa…

***

Từ dạo má con Xương cùng người đàn ông lạ mặt bước xuống đò rời khỏi xóm Củ Năng, nhà con Xương cũng nhiều người lui tới. Hàng xóm còn tự động xách cây, lá qua nhà phụ bà Chín cơi nới thêm cái quán bánh xèo. Đám trẻ xóm trưa nào cũng tạt qua nhà ngồi… hát ru. Thằng Đẹt được tụi nó bồng đi khắp xóm, lăn lộn nắng nôi mà nó vẫn mạnh cui cui. Bà chủ vựa tôm biểu con Xương xuống vỏ lãi theo bà đi cân tôm. Chẳng bao lâu con Xương đã lựa hàng tôm một cách ngon lành, nhớ cả chủ vuông này thiếu bao nhiêu, chủ vuông kia hay chỉnh cân lệch ra sao.

Bữa bà Chín với con Xương bồng thằng Đẹt lên Sài Gòn phẫu thuật người trong xóm đưa ra tận bến đò. Tụi thằng Tí, con Lài cứ nắm tay thằng Đẹt lắc lắc. Thím Năm dặn dò không biết bao nhiêu chuyện trên. Bà chủ vựa tôm còn gọi điện cho thằng con trai học trên đó lại đón, bà tấp vỏ lãi dúi vào tay bà Chín một xấp tiền.

- Để dành phòng thân.

Bà Chín nhét tiền lại túi bà chủ vựa tôm.

- Bây làm vậy. Tao ngại lắm.

- Chín cầm lấy đi. Lên trên đó lỡ thiếu thốn cái gì rồi biết sao? Có gì thì nữa con Xương về làm trả lại cho con. Đó còn đó chứ có mất mát gì đâu.

Tụi thằng Tí, con Lài đứng trên bờ vẫy tay chào theo chiếc đò Khánh Hội đến lúc nó khuất dần sau đám quao giòn xanh biếc. Thím Năm đứng chắp tay ngước mặt lên trời cầu nguyện, bà chủ vựa tôm tháo dây buộc vỏ rời đi. Bến sông trở nên bình yên đến lạ, chỉ còn lại những dấu chân người hằn lên cỏ và nỗi lòng của người ở lại.

***

Con trai của bà chủ vựa tôm gọi điện về nói, hôm nay bà cháu con Xương xuất viện. Cả xóm Củ Năng bắc ghế ra sân ngồi đợi, tụi thằng Tí, con Lài cứ chạy ra sông ngóng từng chiếc đò qua. Thím Năm còn nấu sẵn cơm nước chờ bà cháu con Xương về. Chiếc đò cuối ngày cập bến, bà cháu con Xương dìu nhau bước lên bờ, tụi thằng Tí, con Lài tranh nhau chạy xuống mũi đò xách đồ lên tiếp. Con Xương nở nụ cười tươi rói làm ai nấy cũng cảm thấy nhẹ lòng. Bà Chín ôm thằng Đẹt vào lòng đi thật chậm như sợ chỉ cần bà bước mạnh thêm một chút nữa sẽ làm thằng Đẹt giật mình. Hay tin bà Chín về, người trong xóm kéo lại mỗi lúc một đông, người lon sữa, người bịch đường, người câu hỏi thăm như làm cho mọi sự mệt nhọc trong người bà cháu con Xương vơi đi phần nào. Con Xương bới tô cơm ăn ngon lành, nó cười hề hề.

- Ngán cơm bệnh viện gần chết.

Con Lài cất tiếng hát ru mỗi khi nghe thằng Đẹt ọ ẹ. Cả xóm nhìn ba má con Lài cắc cớ “con nhỏ thèm em dữ lắm rồi đó chú thím”. Thằng Tí ôm cổ má nó “con cũng muốn có em”. Những tiếng cười rộ lên không ngớt trong căn nhà bé xíu. Bà Chín nói, bác sĩ dặn tuần sau lên tái khám. Cuộc phẫu thuật rất thành công, ổng còn nói để ổng trả lại nụ cười cho thằng bé, chứ ổng “giữ lại” làm gì.

Nghe bà Chín thuật lại, thím Năm thở phào nhẹ nhõm. Thím nói để tháng sau đi chùa trả lễ cho người ta. Bà chủ vựa tôm tạt qua nhà, cho một mớ tôm cua. Bà còn dặn đi dặn lại bà Chín.

- Con có quen mấy đứa y tá ở trạm xá. Sáng Chín chở nó lên cho tụi nó coi thay băng nha. Đừng rửa bậy bạ ở nhà.

Ngọn gió từ mé sông thổi qua thềm nhà mát rượi. Bầy chim trên cành khẽ hót líu lo. Chắc chẳng bao lâu nữa, người xóm Củ Năng sẽ được nhìn thấy nụ cười của thằng Đẹt. Con Xương nằm trên đùi bà Chín ngủ sau một chuyến đi dài, không biết lúc ngủ nó đã mơ thấy gì mà môi nó khẽ nở một nụ cười trong vắt…

Truyện ngắn của NGUYỄN CHÍ NGOAN

 

;
.