Đi vào muôn nẻo xuân

Thứ Bảy, 04/01/2020, 07:10 [GMT+7]
In bài này
.

Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, luôn được ví như tuổi trẻ của một đời người. Vì thế mùa xuân luôn là biểu tượng cho những khát vọng, những hoài bão tốt đẹp. Mùa xuân cũng mang theo những câu chuyện, những bí mật của tháng ngày, gợi mở những gam màu khác trong thi phẩm của không gian và thời gian diệu vợi:

“Đi vào nẻo xuân/Gặp đường lụa đỏ/Ai chờ em đó/Mà hoa trắng ngần/Đi vào thanh tân/Như về quê ngoại/Lúa hương đồng gần/Đương thì con gái” (Vào xuân - Hoàng cầm)

Thi sĩ Xuân Diệu, người có nhiều bài thơ xuân trong kho tàng thi ca Việt.
Thi sĩ Xuân Diệu, người có nhiều bài thơ xuân trong kho tàng thi ca Việt.

XUÂN Ở KHẮP MUÔN NƠI

Trong tiết trời thanh tân, vạn vật khoe hương sắc, lòng người hẳn cũng xôn xao cùng những cảm xúc đặc biệt, gợi nên những tình cảm trong trẻo, hướng đến một tình yêu ngọt ngào: “Anh và em mới lần đầu quen biết/Anh và em chưa hẹn gặp mùa xuân/Sao mắt em có cái gì mãnh liệt/Bắt anh yêu và thương nhớ bao lần?”(Mikhail Isakovsky - Thi sĩ Nga)

Mùa xuân cũng khiến lòng người bao dung hơn, rộng mở hơn để buông bỏ những giận hờn của năm cũ, để có thể bước tới một khởi đầu tốt đẹp hơn:

“Anh nghe tiếng chuông. Mùa xuân trên cánh đồng/Những cửa sổ vui tươi em rộng mở/Ngày cười vang và lát sau vụt tắt/Một mình em lặng ngắm dải mây hồng/Trên nét mặt cười loang, ngừng và biến mất/Điều gì trôi qua khiến lòng em xao động?/Anh đi vào cánh rừng ánh lên màu hồng đỏ/Em sẽ quên anh như đã tha thứ cho anh” (A.Blok - Thi hào Nga)

Trong nụ cười còn có cả nước mắt, đó cũng là sự giao thoa của cảm xúc. Trước vẻ tưng bừng của hoa tươi lộc biếc, cũng là khoảnh khắc cho lòng người lắng đọng để ngẫm ngợi về cuộc đời:

“Mùa xuân buồn, đăm chiêu/Hoa buồn trong khóm lá/Họa mi hót buổi chiều/Nghe lòng buồn khó tả/Nào, em yêu của anh/Đừng cười to, đừng hát/Thà em khóc để anh/Được hôn khô đôi mắt” (Heinrich Heine - Thi hào Đức)

XUÂN TRONG THƠ VIỆT

Thi sĩ Xuân Diệu, người được tôn vinh là “Ông hoàng thơ tình” của thi ca Việt, hình như chữ Xuân đã gắn liền với tên thi nhân, cũng là cảm hứng được đề cập nhiều trong các tác phẩm của ông: “Xuân của đất trời nay mới đến/Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi/Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi/Trong vườn thơm ngát của hồn tôi” (Nguyên đán – Xuân Diệu)

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã từng viết: Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê: “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơm mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/Và non nước, và cây, và cỏ rạng/Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”              (Vội vàng - Xuân Diệu)

Mùa xuân cũng là lúc người ta sum vầy quây quần bên người thân và bạn bè, để các thế hệ gắn bó hơn, tạo nên sự kết nối cộng đồng bền vững: “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/Từng nhà mở cửa đón vui tươi/Từng cô em bé so màu áo/Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười/… Có những ông già tóc bạc phơ/Rượu đào đôi chén bút đề thơ/Những bà tóc bạc hiền như phật/Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.” (Thơ xuân - Nguyễn Bính)

Mùa xuân nay lại nhớ mùa xuân xưa, nhớ bao người đã hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ và dựng xây quê hương cho mùa xuân này trọn vẹn: “Mùa xuân người cầm súng/Lộc dắt đầy quanh lưng/Mùa xuân người ra đồng/Lộc trải dài nương mạ/Tất cả như hối hả/Tất cả như xôn xao…/Đất nước bốn ngàn năm/Vất vả và gian lao/Đất nước như vì sao/Cứ đi lên phía trước” (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải) 

Trong giai điệu vui tươi rộn rã, có một nốt trầm suy tưởng về nhân gian và phận người: “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường/phía sau/Tóc xanh dù có phai màu /Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng /Xin chào nhau giữa lúc này/Có ngàn năm đứng ngó cây cối và /Có trời mây xuống lân la/Bên bờ nước có bóng ta bên người /Xin chào nhau giữa bàn tay /Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con/Thưa rằng: những ngón thon thon/Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau” (Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng)

“Ai đâu trở lại mùa thu trước/Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?/Với của hoa tươi, muôn cánh rã/Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!/Ai biết hồn tôi say mộng ảo/Ý thu góp lại cản tình xuân?/Có một người nghèo không biết Tết/Mang lì chiếc áo độ thu tàn!/Có đứa trẻ thơ không biết khóc/Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!/Chao ôi! Mong nhớ! Ôi, mong nhớ!/Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!” (Xuân - Chế Lan Viên)

Mùa xuân không chỉ mang thông điệp về tình yêu lứa đôi, mùa xuân còn mang đến tình yêu lớn lao hơn, đó là tình yêu Tổ quốc, quê hương và những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt cần được kế thừa và phát triển:

“Anh cho em mùa xuân/Mùa xuân này tất cả/Lộc non vừa trẩy lá/Thơ còn thương cõi đời/Con chim mừng ríu rít/Vui khói chiều chơi vơi/Đất mẹ gầy cỏ lúa/Đồng ta xanh mấy mùa/Con trâu từ đồng cỏ/Giục mõ về rộn khua/Ngoài đê diều thẳng cánh/Trong xóm vang chuông chùa/Chiều in vào bóng núi/Câu hát hò vẳng đưa” (Nụ hoa vàng mùa xuân - Kim Tuấn)

Mùa xuân là món quà đặc biệt của thiên nhiên ban tặng cho muôn loài, món quà công bằng nhất, đẹp đẽ nhất ai cũng có quyền được đón nhận. Mùa xuân mở ra trang sử mới cho đất nước, cho dân tộc, cho đời người để đón nhận một tương lai huy hoàng, tươi đẹp, đúng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non xanh nước biếc tha hồ dạo/Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa, hạc cũ với Xuân này”. (Cảnh rừng Việt Bắc - Hồ Chí Minh)

VŨ THANH HOA

;
.