TRANG THƠ

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:14 [GMT+7]
In bài này
.
LÊ HUY MẬU 
 
Trước mai
 
Sáng ba mươi Mai nở
Chiều mồng một Mai tàn
Nhặt lên cánh hoa Mai
Thấy rưng rưng Mai khóc
 
Trời ban Mai nhan sắc
Ban mật ngọt phấn thơm
Để Mai nhờ mai mối
Cho Nhụy - Đài kết hôn!
 
Người đem Mai về chưng
Bướm ong sao đến được?
Làm nhỡ cuộc tình Mai
Làm uổng hoài nhan sắc!
 
Ai người chơi Mai tết
Hiểu lòng Mai bây giờ?
----------
 
VŨ THANH HOA
 
Có ai về
qua ngõ xưa không
 
 
Giấu nụ cười trong cánh hoa vừa hé
Cánh én nghiêng đón gió giao mùa
Mưa rơi nhẹ đẫm góc sân lặng lẽ
Có ai về qua ngõ xưa không
 
Khăn hoa tím em choàng hờ vai nhỏ
Áo len đan ấm cả trời chiều
Bên hàng xóm ngân nga câu hát cũ
Có ai về qua ngõ xưa không
 
Trong vườn vắng bao chồi non thức giấc
Tưng bừng xanh sau những giấc mơ dài
Ngoài hội chợ hàng quán vui rộn rã
Có ai về qua ngõ xưa không.
---------
 
LÊ THIÊN MINH KHOA 
 
Về Long Hương 
nhớ nhạc sĩ Hoàng Việt
 
Về Long Hương nhớ Hoàng Việt (1) vô cùng
Ngang ngôi nhà cổ nhớ thời trẻ dại
Qua đường Hoàng Việt nhớ ngày đi học
Bên dòng Dinh nhớ buổi tắm sông…
 
Én liệng đầy trời Nhà Tròn Bà Rịa
“Tiếng còi trong sương đêm” (2) hát trong ngày hội
Cánh đồng Mắt Mèo ươm mầm “Tình ca” (3) bất tử
Thành “Quê hương” (4) trong nỗi nhớ quê hương
 
Rời quê hương lên đường kháng chiến
Dâng tuổi xuân cho đất nước non sông
Để “Nhạc rừng” (5) vang thôn cùng, xóm nhỏ
Về Long Hương nhớ Hoàng Việt vô cùng…
 
-----------
(1): NS Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực (1928–1967), quê quán tại làng Long Hương, tổng An Phú Tân, tỉnh Bà Rịa xưa, tức phường Long Hương, TP. Bà Rịa ngày nay (chứ không phải quê quán xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang như thông tin phổ biến về ông)
(2): Ca khúc “Tiếng còi trong sương đêm” ông viết với bút danh Lê Trực vào năm 1944, khi làm nhạc công cho một phòng trà ở Vũng Tàu và được ông hát trong Buổi mít tinh mừng Cách mạng thành công ở Bà Rịa tại Nhà Tròn (bây giờ là Di tích VH-LS cấp quốc gia) ngày 25/8/1945 (chứ không phải được viết trong kháng chiến chống Pháp như thông tin phổ biến về ca khúc này của ông)
(3): Ca khúc “Tình ca” ông viết năm1957 khi tập kết ra Bắc trong nỗi nhớ quê hương, gia đình
(4): Bản giao hưởng “Quê hương” là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được Hoàng Việt viết khi sang học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria và giúp ông tốt nghiệp hạng ưu. Bản giao hưởng “Quê hương” được trình diễn lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1965 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
(5): Ca khúc “Nhạc rừng” được viết năm 1951 lúc ông mới 23 tuổi đang công tác tại Đoàn Văn công phân liên khu miền Đông Nam Bộ.
 
;
.