Chạy xe dưới 50cc cũng cần có giấy phép

Thứ Hai, 28/12/2020, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó có nội dung đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho người lái xe máy có dung tích xy lanh dưới 50cc hoặc xe đạp điện có công suất động cơ dưới 4kW. 

Lâu nay, người dân đã quen thuộc với việc sử dụng xe đạp điện, xe máy dưới 50cc để tham gia giao thông mà không cần phải có giấy phép lái xe. Đặc biệt, việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy dưới 50cc khá phổ biến. 

Những ai tham gia giao thông có lẽ đã hơn một lần chứng kiến cảnh những cô cậu học trò lao vun vút trên xe máy dưới 50cc và xe đạp điện, thậm chí, nhiều cô cậu còn không đội nón bảo hiểm. Tuy là xe đạp điện hay xe máy dưới 50cc nhưng theo nhiều chuyên gia giao thông, tốc độ tối đa của các phương tiện này lên đến 60km/h. Vì vậy, việc quản lý cả nhóm đối tượng điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện là cần thiết, bởi những chiếc xe này nặng xấp xỉ 100kg, tốc độ có thể đạt 60-70km/h, gây nguy hiểm không kém gì các loại môtô, xe máy khác. 

Thế nhưng, tại Điều 60, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy dung tích xi-lanh dưới 50cc. Ngoài ra, không có bất cứ quy định cụ thể nào khác liên quan đến sức khỏe, năng lực lái xe hay nhận thức về pháp luật an toàn giao thông. Điều này đã dẫn tới tình trạng nhiều học sinh lao “vù vù” xe máy, xe đạp điện trên đường, phớt lờ các quy định về an toàn giao thông, nguy cơ mất an toàn rất cao. Cho dù, ở các cấp học, ngành giáo dục đã phối hợp với lực lượng chức năng (CSGT) để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh về Luật Giao thông đường bộ và khuyến cáo tham gia giao thông an toàn. Nhưng, không hẳn học sinh nào cũng có ý thức tốt. 

Thực tế cũng cho thấy, đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi học sinh sử dụng phương tiện này, chạy quá tốc độ, lạng lách và không đội nón bảo hiểm. Vì vậy, quy định bắt buộc phải có giấy phép lái xe đối với người sử dụng phương tiện xe máy dưới 50cc và xe đạp điện là cần thiết. 

Quy định này cũng phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ mà nước ta đã tham gia và đặc thù phương tiện tại Việt Nam; hài hòa hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển. Trước đó, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GT-VT cũng có đề xuất phân loại thành 17 hạng giấy phép lái xe, trong đó bổ sung thêm hạng A0 dành cho loại xe máy có dung tích xy-lanh dưới 50cc, xe máy điện có công suất dưới 4kW.

Dù là điều khiển xe gắn máy dưới 50cc hay xe đạp điện thì việc được đào tạo bài bản, thông qua sát hạch để có giấy phép lái xe nhằm nắm rõ về Luật Giao thông đường bộ, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn là cần thiết và hợp với quy chuẩn quốc tế. 

Dư luận cần phải có sự đồng tình cao về việc thêm một giấy phép lái xe cho các loại phương tiện này là hết sức bình thường, nhiều nước cũng đã áp dụng từ lâu. Ai điều khiển phương tiện ra đường tùy theo mức độ cũng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để giao thông an toàn và văn minh hơn. Bên cạnh đó, vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đối với nhóm từ 16 tuổi trở lên nhưng chưa được phép điều khiển phương tiện có dung tích xy-lanh từ 50cc trở lên. Kể cả việc tổ chức thi theo lớp, theo trường, theo nhóm ở khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu dễ dàng tiếp cận. 

MINH ĐỨC

 
;
.