Lái mới - có nên thông cảm?

Thứ Hai, 14/12/2020, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Chiếc xe 5 chỗ chật vật mãi mới quay được đầu ở một tuyến đường chính vào giờ tan tầm, khiến cho dòng xe từ hai phía bị ùn tắc. Sát phía dưới, gần biển số xe là dòng chữ được in đậm trên mảnh giấy trắng khổ A4 “Lái mới, mong được thông cảm”.

Chiếc xe có “thông điệp” ấy chạy suốt một quãng đường dài trong tình trạng khá khó chịu cho những xe lưu thông phía sau khi xử lý thắng gấp, không giữ tốc độ đều và không có khoảng cách an toàn với xe lưu thông cùng chiều.

“Lái mới, mong được thông cảm” là một “thông điệp” không quá khó bắt gặp trên các tuyến đường, ở những xe ôtô cá nhân. Nhiều người cho rằng, việc gắn “thông điệp” kể trên là thể hiện sự văn minh, lịch sự và để những tài xế khác thông cảm, nhường đường nhằm tránh những vụ va quẹt, tai nạn giao thông đáng tiếc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc thông cảm cho “lái mới” là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, khi đã ngồi sau tay lái, buộc tài xế phải “cứng” về kỹ năng, không thể “mong thông cảm” từ các tài xế khác trong lưu thông.

Theo quy định, người điều khiển các phương tiện cơ giới có dung tích từ 50 phân khối trở lên phải học, phải trải qua kỳ sát hạch và đạt cả về lý thuyết lẫn thực hành. Quy trình đào tạo để cấp bằng cho người điều khiển phương tiện đều rất chặt chẽ, khắt khe, có thời gian học lý thuyết, thực hành để khi được cấp bằng lái, cá nhân đó đã thuần thục các kỹ năng điều khiển phương tiện, có tâm lý vững, sự tự tin cần thiết để xử lý các tình huống trong quá trình lưu thông. Điều đó nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân người cầm lái và cộng đồng. Đồng thời, khi đã điều khiển phương tiện tham gia lưu thông thì dù có là “lái mới” hay “lái cũ” cũng sẽ công bằng trước pháp luật, phải tuân thủ các quy định của luật giao thông. Vậy nên, khi chưa “cứng” thì không nên cầm lái và không có sự “cảm thông” ở đây.

Ghi nhận từ các vụ tai nạn giao thông cho thấy, có những vụ tai nạn do người cầm lái còn “non tay” không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn đó được kết luận là do tài xế “đạp nhầm chân ga” và hầu hết những vụ “đạp nhầm chân ga” ấy đều từ những tài xế là “lái mới”.

Ở những vụ việc này, pháp luật hay cộng đồng không thể “thông cảm” với người gây tai nạn.

Điều đáng nói là, “chủ nhân” của những chiếc xe ôtô ấy gắn biển “…xin thông cảm” chắc chắn đã nhận định và lường trước tính chất chưa bảo đảm an toàn cho cộng đồng nên mới đưa ra thông điệp mang tính “cảnh báo” trước ấy. Vậy thì, tại sao chúng ta không tự giác tránh trước những nguy cơ đã được cảnh báo? Chưa đủ tự tin, lái chưa tốt thì khoan hãy điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hãy tìm đến những bãi tập để luyện thêm kỹ năng, hãy học thật tốt để không phải “mong thông cảm” một cách bi hài kể trên.

Tôi từng chứng kiến nhiều người quen biết, sau khi đã có bằng lái, nhưng vì nhiều lý do, một thời gian dài sau đó mới mua được xe ôtô. Họ đã thuê thầy giáo để tập dợt lại, khi đủ “cứng” về kỹ năng và tâm lý vững mới chạy xe một mình mà không cần kèm cặp.

Ở nhiều trung tâm đào tạo lái xe vẫn có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho những tài xế mới hoặc chưa đủ vững. Vì vậy, các “xế” mới rất nên chịu khó tập dợt thêm để trước hết là bảo đảm an toàn cho chính mình và sau đó là cộng đồng.

Riêng với cộng đồng, rất không nên cổ xúy cho trào lưu “lái mới, xin thông cảm” để loại bỏ tâm lý “bắt” người khác thông cảm với mình khi đã lường trước nguy cơ. 

THẢO TRẦN

 
;
.