Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ Tư, 23/12/2020, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, dư luận hết sức xôn xao về câu chuyện một số khách hàng bỏ hàng chục triệu đồng mua iPhone 12 nhưng nhận về cục gạch, hộp bút chì màu; mua yến sào nhưng nhận được đôi giày cũ… Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến uy tín đơn vị, cơ sở kinh doanh mà còn gây hoang mang, giảm niềm tin của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.

Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng người tiêu dùng bị đánh tráo hàng, hoặc nhận phải hàng nhái, hàng không như quảng cáo khi mua trực tuyến. Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử, người mua và người bán không gặp mặt và chỉ liên lạc trên môi trường mạng nên hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có đến 48,1% số người từng mua sắm qua mạng xã hội nói rằng mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết nhưng không cho phép đổi trả hoặc được đổi trả nhưng phải đền bù một mức phí cho người bán.

Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, chỉ bằng 1 thao tác click chuột hoặc 1 tin nhắn trên Facebook là có thể hoàn tất giao dịch, việc mua bán qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu. Nhiều tiện lợi nhưng hình thức mua bán, giao dịch qua mạng cũng đang phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Cụ thể, ở góc độ quản lý Nhà nước, đã có Luật về thương mại điện tử; Chính phủ cũng có các Nghị định hướng dẫn, có thể kể đến như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử… Ngoài ra, còn có Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quá trình thực thi cần sớm được “bít” lại. Thống kê cho thấy, 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ; chưa có các chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm… Ngay cả sàn giao dịch cũng không chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán, điều này đã trở thành lỗ hổng cho những gian thương trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng.

Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý cũng như công tác ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng… Vì vậy, cần phải xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đặc biệt này. Cơ quan quản lý và các hội bảo vệ người tiêu dùng cũng cần tăng cường vai trò của mình, không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Người tiêu dùng cũng phải chủ động bảo vệ mình, không mua những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ kinh doanh. Về phía các cá nhân, đơn vị kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần phải giữ chữ tín đối với sản phẩm, hàng hóa kinh doanh và có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm hàng hóa khi xảy ra khiếu nại. Nếu không làm được điều này thì các DN, cá nhân sẽ không có chỗ đứng trên thị trường thương mại điện tử đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

NGÔ GIA

 
;
.