An toàn thực phẩm dịp Tết

Chủ Nhật, 13/12/2020, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Các địa phương trong cả nước đang mở đợt cao điểm kiểm tra thị trường nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng đang tập trung kiểm tra các sản phẩm tiêu thụ nhiều và có nguy cơ mất an toàn cao, các chợ truyền thống, cơ sở chế biến thực phẩm; ngăn chặn hành vi buôn lậu, găm hàng, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về VSATTP. Điều này cho thấy, việc các địa phương mở đợt thanh, kiểm tra VSATTP, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết là rất cần thiết.

Tại BR-VT, những ngày đầu tháng 12/2020, Sở Công thương đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các chợ truyền thống, cơ sở sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm tiêu chí đánh giá ô nhiễm về vi sinh, hóa học để cảnh báo sớm tới cộng đồng. Cùng với việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ mình bằng việc chọn mua những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Những nỗ lực của lực lượng chức năng đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm lẫn người tiêu dùng về vấn đề VSATTP. Đặc biệt, tại các chợ truyền thống, nhận thức của người dân và tiểu thương về VSATTP đã được nâng lên.

Công tác kiểm tra, siết chặt VSATTP chắc chắn sẽ còn “đến hẹn lại lên” trong thời gian tới khi mà thị trường dịp Tết còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao, không ít cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đã đưa ra những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có chất phụ gia, chất bảo quản không đúng quy định trong danh mục cho phép. Nếu không có sự kiểm tra, xử lý mạnh tay của các lực lượng chức năng, thị trường Tết sẽ “bát nháo”, mất an toàn bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đó.

Có một thực tế là, công tác kiểm tra, bảo đảm VSATTP dịp Tết ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Lãnh đạo Sở Công thương, Quản lý thị trường nhiều địa phương thừa nhận việc thiếu trang thiết bị kiểm tra, xét nghiệm nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định chất lượng nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản… Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm VSATTP ở không ít địa phương vẫn còn có sự nương tay.

Để thị trường dịp Tết không còn những loại thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm tại các địa phương phải được tiến hành cả định kỳ và đột xuất, không riêng mỗi dịp Tết hay trong tháng ra quân cao điểm. Về lâu dài, một biện pháp cần được các lực lượng chuyên ngành bắt tay thực hiện, đó là tổ chức tốt mối liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Lúc ấy, thị trường sẽ có những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vừa bảo đảm được VSATTP.

Mục đích cao nhất của công tác kiểm tra VSATTP trong ngày thường cũng như dịp Tết không phải là xử phạt mà là nhằm thay đổi ý thức của người dân trong kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm. Những cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh được nhắc nhở về đạo đức, nghĩa vụ kinh doanh, giúp họ hiểu biết hơn về các quy định của pháp luật trong vấn đề VSATTP, từ đó đưa ra các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Nhưng nếu cứ tiếp diễn các hành vi ảnh hưởng đến đến sức khỏe của cộng đồng thì phải bị xử lý nghiêm khắc, như khuyến cáo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm được tổ chức vào đầu năm 2020: “Việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc. Những hành vi này cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm”.

HẢI LĂNG

 

 

;
.