Tự phê bình và phê bình - Vũ khí sắc bén xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ Ba, 08/12/2020, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối năm, các chi, đảng bộ họp kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên và tổ chức Đảng. Đây là dịp để từng đảng viên và từng chi, đảng bộ nhìn lại một năm phấn đấu, rèn luyện, phát huy mặt mạnh và khắc phục điểm yếu.

Tự phê bình và phê bình là những nội dung quan trọng của kiểm điểm mà mỗi đảng viên, tổ chức Đảng cần nghiêm túc thực hiện để hoàn thiện mình. Đó được coi là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí sắc bén này sao cho hiệu quả cũng rất quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”.

Người đặt tự phê bình lên trước phê bình. Bởi vì, Người cho rằng: mỗi đảng viên trước hết thấy rõ mình trước để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày; mình có tự phê bình tốt thì mới phê bình những người khác tốt được. Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, rồi qua đó, thấy được ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mình mà mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn. Từ những thiếu sót, khuyết điểm của đồng chí mình để mình thấy mà rút kinh nghiệm, tránh sa vào những khiếm khuyết ấy, để tốt lên hơn.

Tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trên thực tế, như đánh giá tại Nghị quyết Trung ương 4, lâu nay, vẫn còn tình trạng một số tổ chức Đảng, đảng viên trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Hậu quả là, đã có một bộ phận tổ chức Đảng, đảng viên suy thoái, biến chất.

Những nội dung trên buộc phải loại trừ trong tự phê bình và phê bình để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh mà ở đó, mỗi đảng viên đều là những gương sáng, biết tự phấn đấu, loại bỏ cái xấu, nhân lên cái tốt để hoàn thiện bản thân. Tự phê bình và phê bình được coi là “một cuộc đấu tranh”, phải thẳng thắn, nhưng cũng phải khéo léo, không lợi dụng để trù dập, đẩy người khác vào “chân tường”, không có cơ hội sửa sai. Vì thế, thực hiện tự phê bình và phê bình phải như Bác nhắc nhở: “Ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”. Tự phê bình và phê bình phải đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt, không hình thức, hời hợt, quanh co, chiếu lệ...

Việc tự phê bình và phê bình thiết nghĩ, cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là ở mỗi cá nhân đảng viên, nên có sự “tự suy xét” mỗi việc mình làm, mỗi ngày đã qua để tự chỉnh đốn, sửa chữa. Tự phê bình và phê bình cần kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Qua kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ nhanh chóng phát hiện những “bất thường” để xử lý ngay lập tức, giống như “phòng bệnh tốt” hoặc “chữa bệnh kịp thời”; thay vì để tình trạng kéo dài đến lúc “hết thuốc chữa” thì dù là vũ khí sắc bén đến mấy cũng không thể trị cho được.

MINH ĐỨC

 

;
.