Để người Việt cao hơn

Thứ Năm, 04/06/2020, 07:41 [GMT+7]
In bài này
.

Đọc bài “Người Việt đã cao hơn” đăng trên một tờ báo của giới trẻ tuần rồi, một giáo viên dạy môn thể dục của Trường PTTH Châu Thành, TP. Bà Rịa chia sẻ rằng anh rất đồng tình với tác giả bài viết. Bài báo dẫn dữ liệu từ một cuộc điều tra tiến hành đầu năm 2020 cho biết, chiều cao người Việt hiện cao hơn so với 3 thập niên trước. Tuy vậy, mức tăng trưởng chiều cao của người Việt vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn tăng trưởng chiều cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Tất nhiên chiều cao của học sinh cấp THCS, THPT nước ta cũng không đạt bằng chiều cao trung bình chuẩn tăng trưởng của WHO. 

Là người có nhiều năm dạy môn thể dục và tìm hiểu sâu về dinh dưỡng, anh bạn giáo viên cho rằng, hiện chúng ta đang có hạn chế ở vấn đề dinh dưỡng học đường, nhiều em vẫn thiếu vi chất. Tuy đang có phong trào tập luyện thể thao, trong đó có nhu cầu tập cho cao hơn,  nhưng tập luyện trong nhà trường cũng chưa đạt do có những trường thiếu sân bãi.  

Đi tìm nguyên nhân, dễ nhận ra rằng tăng trưởng thể lực của người Việt bị hạn chế do phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, rèn luyện thể chất chưa trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Một nguyên nhân khác làm cho người Việt đến nay vẫn còn nhỏ bé là do không ít người dân thiếu kiến thức cơ bản về chăm sóc, nâng cao sức khỏe.  

GS Dương Nghiệp Chí, Viện Khoa học thể dục thể thao Việt Nam thẳng thắn, hiện nay giáo dục thể chất ở các trường học, từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học, đều rất kém. Thể dục được coi là môn học phụ, mỗi tuần chỉ có 1-2 tiết và cũng không có môn nào được biên soạn nội dung nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao. Đã vậy, nhiều trường học không có sân chơi và nhà tập cho HS. Đội ngũ giáo viên dạy thể dục rất thiếu, nhất là ở bậc tiểu học. Nhiều trường giáo viên chủ nhiệm thường kiêm luôn việc dạy thể dục. Không ít nhà quản lý giáo dục quan niệm kiến thức văn hóa mới quan trọng, còn HS có thể không tốt lắm về thể chất. Việc không coi trọng môn giáo dục thể chất đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác: chương trình dạy, bị cắt xén, mang tính hình thức, lượng vận động quá ít, không thu hút, hấp dẫn HS. 

Ở khía cạnh gia đình, do kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh đã không thể bảo đảm đủ dinh dưỡng cho con em mình. Sữa - thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng chiều cao của trẻ em thì giá lại quá cao. Mong ước nuôi con to khỏe bằng sữa của nhiều bậc cha mẹ do vậy lại càng khó thành hiện thực. 

Chúng ta đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Mục tiêu là đến năm 2025 tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, nam đạt 167cm, nữ đạt 156cm. Năm 2030, chiều cao người Việt tăng thêm 4cm. 

Thực hiện đề án, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành các chính sách liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực, khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, chăm sóc dinh dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời.  

Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh, thành phố đã được uống sữa miễn phí từ khi Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Vấn đề còn lại là đưa bộ môn thể dục trở về đúng với vai trò, tầm vóc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn, bảo đảm đủ lượng giáo viên dạy môn thể dục cho các trường từ cấp tiểu học đến THPT. Cũng đến lúc có những chính sách và giải pháp mang tầm quốc gia giúp người dân cải thiện bữa ăn mà trước hết là tăng cường truyền thông để mọi người dân có đủ kiến thức về mặt dinh dưỡng, ăn như thế nào để đủ và không thừa. Cũng phải tính đến việc xây dựng Luật phát triển dinh dưỡng hoặc một luật có nội dung tương tự, qua đó hoạch định và thực thi các chính sách dinh dưỡng hiệu quả qua các chương trình nông nghiệp, bữa ăn học đường - như một số nước trong khu vực đã làm. 

Triển khai một cách quyết liệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam nâng chất bữa ăn học đường, thể thao…, tin chắc trong 3 thập niên chiều cao người Việt sẽ được cải thiện và Việt Nam không còn nằm trong danh sách những nước “lùn” nhất thế giới. 

 HẢI LĂNG

;
.