Để không "lỗi nhịp"

Thứ Hai, 04/05/2020, 22:13 [GMT+7]
In bài này
.
“Cùng với bạn bè, thầy cô, mình trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ vì dịch COVID-19 bùng phát. Cảm xúc cũng mới lạ, bồi hồi y như ngày khai giảng năm học mới”. Trần Thị Thanh H. học sinh lớp 12 của trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức đã đưa lên Facebook cá nhân dòng status đầy cảm xúc như thế.
Tôi tin chắc cảm xúc “mới lạ, bồi hồi” của H. cũng là của hàng chục ngàn học sinh Bà Rịa-Vũng Tàu náo nức quay lại trường sáng 4/5 sau thời gian dài nghỉ học. Vì dịch bệnh mà phải ở nhà quá lâu, nên các em có cảm giác nhớ bạn bè, trường lớp, thầy cô, háo hức và vui vẻ với việc đi học lại cũng là điều dễ hiểu.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước ngày đi học trở lại, cán bộ, giáo viên tất cả các trường đã làm công tác vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng các phòng học, hành lang và khuôn viên nhà trường; Tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp; Chuẩn bị dung dịch rửa tay sát khuẩn; hướng dẫn học sinh cách rửa tay và đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở trường; Khuyến cáo phụ huynh theo dõi sức khỏe cho con em nghỉ học khi có biểu hiện sốt ho… Nhiều trường còn cẩn thận lên phương án như bố trí giờ học lệch ca, trang bị thêm bàn học… nhằm bảo đảm mật độ giãn cách an toàn cho học sinh. Giờ ra chơi thì tổ chức khoanh vùng cho học sinh theo từng khối lớp, không để xảy ra tình trạng quá đông học sinh tập trung trong cùng thời điểm ở sân trường.
Với “kịch bản” đề ra, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hệ thống trường học của ngành giáo dục xem như tạm ổn. Điều còn lại là sau khi ổn định trường lớp, thầy và trò sẽ làm gì để việc dạy và học không “lỗi nhịp” sau một thời gian dài?
Theo công văn của Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc trước 15/7. Hiệu trưởng nhiều trường THCS, THPT tự tin khẳng định, việc hoàn thành chương trình và kết thúc năm học đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ là điều có thể làm được. Cơ sở để ban giám hiệu các trường tin vào điều đó là nhiều nội dung trong chương trình học đã được Bộ GD&ĐT tinh giản. Nhà trường căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học, bảo đảm cho học sinh có được những kiến thức cơ bản, nền tảng và có đủ năng lực để học cho những năm học tiếp theo. Mặt khác, trong thời gian nghỉ, học sinh các cấp học cũng đã học trực tuyến, qua truyền hình. Nhiều thầy cô giáo lập nhóm trên Zalo đưa bài cho học sinh làm và thu bài chấm trả ngay khi nhận kết quả. “Kênh” học tập này cũng đem lại hiệu quả tích cực. Với thực tế đó, các trường hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ mà không có trở ngại nào đáng kể.
Năm học 2019-2020 là một năm đầy thử thách đối với ngành GD-ĐT khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch SARS-CoV-2. Nhưng truyền thống “dạy tốt, học tốt” là cơ sở và nền tảng thúc đẩy thầy và trò cùng vượt qua khó khăn. Thầy chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học. Trò xốc lại tinh thần, bắt nhịp với guồng quay học tập, nỗ lực trong học tập, tự học bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Thầy và trò gần gũi, cùng nhau hợp tác hoàn tất chương trình còn lại của năm học.
Với sự đồng lòng, chung sức của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội, thầy và trò sẽ ra sức dạy tốt, học tốt; Ngành GD&ĐT tự tin vượt qua các khó khăn thử thách, hoàn thành xất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020.
NGUYỄN HƯNG NHƠN
;
.