Linh hoạt thích ứng với thị trường

Thứ Sáu, 24/04/2020, 22:01 [GMT+7]
In bài này
.

Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của từng quốc gia và của toàn thế giới. Trước tình hình đó, các địa phương, các ngành cần chủ động dự báo các tình huống tác động tới các ngành nghề sản xuất, tới các loại hàng hóa xuất khẩu, tới nhu cầu của thị trường trong nước… để có những chính sách và giải pháp điều hành hiệu quả nhằm sớm hồi phục và ổn định nền kinh tế. Vì vậy, hỗ trợ nền kinh tế ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải tập trung vào cả 2 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện việc hàn gắn các liên kết, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tổng cầu toàn xã hội.

Trong bối cảnh phải chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của nước ta chỉ đạt ở mức 3,82%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu trong tháng 1/2020 đạt 8,29 tỷ USD, giảm sâu tới 25,8% so với tháng 12/2019 (xuất khẩu chỉ đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,5% và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%). Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu, chỉ ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ, nhất là các lĩnh vực vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm 11%). Sở dĩ ngành nông, lâm, ngư nghiệp chịu tác động nặng nề là do thực trạng xuất khẩu bấp bênh, ùn ứ hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới, do chúng ta chủ yếu xuất hàng bằng phương thức tiểu ngạch, bằng hình thức trao đổi cư dân tại khu vực biên giới. Sự sụt giảm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, đó là sự cảnh báo cần thiết cho DN. Các DN sẽ phải cân nhắc giữa cái bấp bênh của xuất khẩu tiểu ngạch và chi phí bỏ ra cho “tổ chức lại sản xuất nông nghiệp” để được xuất khẩu chính ngạch. Do đó, về lâu dài giải pháp cần thiết để tháo gỡ nút thắt này là phải nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang hình thức chính ngạch. Để làm được điều đó, các DN cần thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các quy định mới về nhãn mác, bao bì, đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Trong giai đoạn hiện nay, điều đặc biệt cần chú trọng là nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý Nhà nước, quản trị DN, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh” và thực hiện “kinh doanh an toàn”. Theo đó, cần gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn sau khi phải thực hiện “giãn cách xã hội”. Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung an toàn với COVID-19 cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, của cộng đồng DN cũng như từng người dân. Đó không phải là tiềm lực tài chính mà chính là sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng mạnh hơn nữa vào thị trường trong nước. Đồng thời, cần khai thác triệt để các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục rườm rà, gây chậm trễ cơ hội nắm bắt thị trường.

Dịch bệnh COVID-19 trên đất nước ta đã tạm thời lắng xuống, nhưng chưa thể coi là đã hết dịch hoàn toàn khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và nhất là khi cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vaccine phòng chống SARS-CoV-2. Nhưng để bảo đảm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, để chung sống an toàn với COVID-19, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ, nhưng tuyệt đối không chủ quan. Tinh thần cơ bản trong thời gian tới là cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm ngành nghề để bảo đảm vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

HOÀNG LÊ

;
.