Siết quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ Năm, 23/04/2020, 23:18 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã dần đi vào nề nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; hiệu quả trong sử dụng, khai thác tài sản được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong khu vực Nhà nước chú trọng thực hiện, góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chưa tốt; việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản ở một số cơ quan, đơn vị, DN Nhà nước còn hạn chế, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản, nhất là đối với đất đai, trụ sở làm việc, xe ô tô… Nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; phương thức, công nghệ quản lý tài sản còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện chưa nghiêm.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, sẽ phải triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ với rất nhiều việc phải làm. Theo đó, cần tập trung sắp xếp lại, xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định như cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản công như nhà và đất trụ sở làm việc, ô tô; khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, đơn vị; rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao…) để có giải pháp quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả hơn…

Vấn đề cần được chú trọng trong quản lý, sử dụng tài sản công là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN Nhà nước. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi được giao phụ trách. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ khâu giao nhận tài sản, lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm tới quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện tốt việc tuyên truyền, tăng cường công tác giám sát của cộng đồng.

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội. Trong đó, tài sản công là nguồn lực chủ yếu, tập trung và mạnh mẽ nhất. Do vậy, tài sản công phải được quản lý, sử dụng hiệu quả nhất nhằm tránh lãng phí, thất thoát, phòng ngừa tham ô, tham nhũng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

GIA BẢO

;
.