Ngành kinh tế cũng phải "phản ứng nhanh" với Corona

Thứ Tư, 05/02/2020, 21:12 [GMT+7]
In bài này
.

Do dịch viêm đường hô hấp cấp từ chủng mới virus Corona (nCoV) hoành hành, Trung Quốc đã tạm đóng cửa giao thương với Việt Nam tại một số cửa khẩu, dẫn đến loạt hệ lụy đối với thương mại và xuất nhập khẩu của các DN trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, xuất khẩu một số mặt hàng như trái cây, cà phê, thủy sản có nguy cơ bị ngưng trệ do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc giảm và chính sách hạn chế giao thương mà Chính phủ Trung Quốc đang từng bước thực hiện. Biểu hiện rõ nét nhất là những ngày gần đây, nhiều loại nông sản như thanh long, dưa hấu… đến vụ thu hoạch nhưng ùn ứ không bán được. Trong khi đó, các DN sản xuất lo ngại không đủ nguồn nguyên liệu buộc phải ngừng sản xuất. Đơn cử như, lĩnh vực bị ảnh hưởng không nhỏ nếu tình trạng cấm biên kéo dài là dệt may. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhập khẩu nguyên phụ liệu năm 2019 đạt giá trị hơn 22 tỷ USD, trong đó hơn một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh khó khăn trên, mỗi đơn vị, DN sẽ phải tính toán đưa ra các giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh. Đối với các mặt hàng nông sản, phải có sự đồng hành, quyết tâm của Nhà nước - DN và người dân, thay đổi để không tiếp tục phụ thuộc vào một thị trường, sản xuất đủ, áp dụng chuỗi giá trị sâu, liên kết lớn, đa dạng thị trường xuất khẩu.

Tại phiên họp Thường kỳ của Chính phủ tháng 1 diễn ra ngày 5/2 - phiên họp đầu tiên của năm 2020, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo tăng trưởng và phòng, chống dịch để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Thủ tướng phân tích dịch bệnh nCoV ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế tại Việt Nam và các nước trên thế giới, nhất là trong các lĩnh vực hàng không, nông nghiệp, chứng khoán, du lịch, xuất khẩu, đồng thời nêu rõ: “Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống virus nCoV thì chúng ta cũng phải thành lập những đội phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp lại sự giảm sút về kinh tế”.

Có thể nói, đây cũng là yêu cầu mới đặt ra trong tình hình hiện nay, đặc biệt quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đã rất rõ ràng và cấp bách. Trong đó, bảo đảm vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV với mục tiêu “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

NGÔ GIA

 

;
.