Khi luật xa cuộc sống

Thứ Ba, 12/11/2019, 19:55 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu và giải trình làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hôm 31/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận năng lực làm luật của chúng ta dù đã cố gắng nhưng có phần còn hạn chế, trong đó có vai trò của pháp chế các bộ, ngành và vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp. “Dư luận bức xúc rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dẫn vụ việc một người đàn ông ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng để nói rằng chất lượng ban hành môt số văn bản pháp luật “có vấn đề”. Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng việc quan trọng nhất trong xây dựng pháp luật là phải phù hợp với thực tiễn và quy trình xây dựng cần phải được chuẩn hóa, vậy mà có những luật vừa ra đời, chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi… Nếu cứ ngồi trong phòng lạnh mà làm chính sách thì chính sách sẽ không phù hợp với thực tế.

5 năm trở lại đây, số văn bản pháp luật thiếu tính khả thi được ban hành bởi các bộ ngành, địa phương do báo chí, người dân hoặc Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phát hiện, “thổi còi” lên tới con số… ngàn. Để lại “ấn tượng sâu đậm” nhất trong lòng người dân là quy định buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng, quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân, quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… quy định xử phạt những người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định...

Ai cũng biết, mục đích của những quyết định trên đây là tốt, với mong muốn đem lại sự an toàn, tiện lợi cho người dân nhưng vì xa rời thực tế, tính khả thi thấp, chưa tổ chức thực hiện đã lộ rõ sự bất cập nên đã không có được sự đồng thuận của người dân. Và, một khi thiếu sự đồng thuận cao trong xã hội, những văn bản pháp luật đó không đi vào đời sống mà rơi vào im lặng và quên lãng cũng là điều dễ hiểu.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều văn bản pháp luật thiếu tính khả thi: Việc lấy ý kiến người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; Năng lực yếu kém của những cơ quan soạn thảo văn bản, thiếu dự báo mang tính chiến lược và sự ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội; Sự thông qua vội vã, thiếu thẩm định kỹ càng của người phê duyệt, ký ban hành. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do những nhà soạn thảo văn bản luôn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân, vì vậy họ không thực sự lắng nghe mà luôn luôn áp đặt ý chí chủ quan của mình hoặc của một nhóm lợi ích nào đó vào văn bản pháp luật.

Để tránh tình trạng văn bản không đi vào đời sống, Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019 xác định đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định.

Tất cả các quy định pháp lý đều nhằm điều chỉnh những hành vi, quan hệ trong xã hội theo pháp luật nhà nước. Các quy định ấy phải được nghiên cứu, thẩm định kỹ trước khi ban hành. Ra các văn bản pháp luật mà không chú ý đúng mức đến tác hại của những quy định chưa sát thực tế, không tính đến hiệu quả pháp lý sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Nhờn luật khi đã trở thành cố tật, thành ý thức “bất tuân luật pháp”, có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống kinh tế, xã hội, với doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.