Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp

Thứ Năm, 07/11/2019, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc sai phạm xảy ra trong lĩnh vực thương mại, văn hóa nghệ thuật, giáo dục… liên quan tới hàng hóa, vật phẩm có hình “đường lưỡi bò” phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam khiến dư luận bức xúc. Đây cũng là vấn đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội trong các phiên thảo luận mấy ngày qua.

Gần đây nhất ngày 31/10, trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (TP.Hải Phòng) đã phát hiện lô hàng 7 chiếc ô tô hiệu Hanteng nhập từ Trung Quốc, trong phần định vị bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Cũng trong tháng 10, sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát hiện nhà trường đã sử dụng cuốn sách “Developing Chinese” của Trung Quốc làm giáo trình giảng dạy của Khoa Trung - Nhật, bản đồ in trong cuốn sách này có hình “đường lưỡi bò” phi pháp, cuốn sách này đã được photocoppy “nhân bản” để bán cho sinh viên làm tài liệu học tập.

Đầu tháng 10, bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” là phim hoạt hình do Hãng DreamWork hợp tác cùng Công ty Pearl của Trung Quốc sản xuất được trình chiếu tại nhiều rạp chiếu phim trong nước, phân đoạn của phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Trước đó, hồi đầu tháng 8, một vị phụ huynh ở Hà Nội phát hiện món đồ chơi bản đồ cắm cờ các quốc gia, có xuất xứ từ Trung Quốc mà người này mua trên trang bán hàng trực tuyến Shope để cho con mình chơi có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp… 

Những sự việc nêu trên đang được cơ quan chức năng tiếp tục xử lý triệt để, truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn đối với cá nhân, người đứng đầu cơ quan quản lý chuyên ngành để “lọt lưới” kiểm soát, kiểm duyệt. Qua đây cũng cho thấy “lỗ hổng” trong công tác quản lý hàng nhập khẩu. Bởi, ngoài lô hàng 7 chiếc ô tô có “đường lưỡi bò” phi pháp do lực lượng Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ phát hiện kịp thời, các vụ còn lại đều do người tiêu dùng phát hiện và thông báo tới cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Thời gian qua, cái gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn”  hay còn gọi “đường chữ U” là khái niệm, là hình ảnh mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để tuyên bố chủ quyền vô lý của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Yêu sách này hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Từ trước tới nay, chưa bao giờ Trung Quốc đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò” theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã tham gia phê chuẩn. 

Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ những chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối, chính sách, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông trên tinh thần hợp tác quốc tế; Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì trật tự, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); Thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Cần nhận thức rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự kiện nào, vấn đề quốc gia, chủ quyền lãnh thổ đất nước phải luôn được mọi công dân Việt Nam tôn trọng và góp sức chung tay bảo vệ. Theo đó, trong lúc sinh hoạt, trong khi sử dụng hàng hóa, văn hóa phẩm nhập khẩu, nhất là có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, mọi người cần cảnh giác, phát hiện những loại hàng hóa, vật phẩm có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp để báo với cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và xử lý. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng tẩy chay không sử dụng, tiêu dùng các loại vật phẩm có “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. 

GIA BẢO

 

;
.