Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Thứ Hai, 11/11/2019, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Báo cáo của Chính phủ và các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2019, với sự quan tâm sâu sắc của các cử tri, là những gam màu sáng của bức tranh tổng thể đạt được trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, chúng ta đã có một năm thành công: Cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều được xác nhận đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%. Tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm, hơn 130.000 DN mới được thành lập; đầu tư xã hội được mở rộng. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến và chế tạo; tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á.

Điểm nổi bật của nền kinh tế nước ta trong thời gian gần đây là đã đạt một số kết quả đáng khích lệ về giữ vững sự ổn định kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế lạm phát. Năng lực cạnh tranh Nhà nước đã có bước cải thiện rõ rệt, tăng 5 bậc, hiện đạt thứ hạng 55/137 quốc gia. Trong quá trình phát triển, năm 2017 và năm 2018 được đánh dấu nhờ bước phát triển mới của nền kinh tế: lạm phát dưới mức 4%, tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 là 6,81%, năm 2018 là 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Chủ yếu là tăng dịch vụ, du lịch, công nghiệp, chế tác, chế biến, nông nghiệp chất lượng cao hướng vào xuất khẩu. Cùng với tốc độ tăng trưởng khá, nền kinh tế nước ta từng bước chuyển dịch sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét. Trong đó, đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng vào GDP theo giá sản xuất đã tăng từ 38,23% trong năm 2010 lên 39,54% trong năm 2018; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhanh…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo phân tích của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường, cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa bền vững. Theo Ban Kinh tế vĩ mô và dự báo (thuộc Viện Chiến lược và chính sách tài chính) thì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn tăng trưởng theo chiều rộng và còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp. Bên cạnh đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ hóa còn chậm. Hiện ngành dịch vụ chỉ đóng góp được khoảng 40% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới; năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế thị trường diễn ra còn chậm…

Từ các ý kiến thảo luận và chất vấn tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, nhân tố nội lực và đổi mới sáng tạo chưa cao. Điều này đòi hỏi các ngành, các địa phương cần phải có những đột phá trong cải cách, nhất là về thể chế kinh tế và cần phải nhanh chóng thích ứng hơn với điều kiện mới của hội nhập và cạnh tranh. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng cần thực hiện có hệ thống các giải pháp đồng bộ, bao gồm: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thể chế; tạo lập môi trường thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân; phát triển kinh tế tri thức và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong giai đoạn cả nước đang tăng cường hội nhập, các nguồn thu từ thuế nhập khẩu, từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA hay từ tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng giảm đi. Do đó, con đường lành mạnh hóa ngân sách cần phải dựa trên nguồn thu từ kinh tế nội địa và chi tiêu chặt chẽ, cùng với đổi mới mạnh mẽ bộ máy quản lý, thực hiện có hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế. Đồng thời, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp vào việc tăng năng suất lao động, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng khoa học - công nghệ. Thúc đẩy kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tiêu thụ và sản xuất bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị đối với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN vì mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. 

 HOÀNG LÊ

;
.