Hãm phanh cuộc đua lãi suất

Thứ Ba, 05/11/2019, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trung tuần tháng 8 đến nay, người ta chứng kiến các ngân hàng thương mại lao vào cuộc đua tăng lãi suất mà “đỉnh cao” là việc đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên tới 8,5-9%/năm và huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất vượt mốc 10%/năm.

Ngoài sản phẩm tiền gửi thông thường là qua sổ tiết kiệm cho khách hàng cá nhân, không ít ngân hàng còn cho khách hàng “lách” dưới dạng hợp đồng tiền gửi để được lãi suất cao hơn; Một số ngân hàng còn triển khai dạng chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 1 năm, 2 năm… cho đến 5 năm với lãi suất trên dưới 9%/năm, thậm chí có ngân hàng đẩy lên trên 10%/năm. Có ngân hàng “đi đêm” với người gửi tiền tiết kiệm loại có kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng (có mức lãi suất bị khống chế trần ở mức 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước) bằng cách cộng thêm lãi suất hoặc tặng tiền để lãi suất cộng thêm và số tiền tặng này ngoài sổ tiết kiệm nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Trước diễn biến nóng của của lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành có biện pháp can thiệp duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và tình hình KT-XH tại địa phương… NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng kiểm soát quy mô, cơ cấu tín dụng (ngắn, trung và dài hạn) nhằm ngăn chặn một cuộc đua lãi suất huy động mới. NHNN nhắc nhở các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, chấp hành nghiêm quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi… “NHNN sẽ theo dõi sát tình hình triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN. Trong đó, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vi phạm”, văn bản của NHNN nhấn mạnh.

Việc NHNN ra tay can thiệp, hạn chế các “cuộc đua” tăng lãi suất là kịp lúc. Bởi tuy chưa đến mức nghiêm trọng nhưng nếu không “hãm phanh”, có thể sẽ gây ra những bất ổn tạm thời trong hệ thống ngân hàng, dễ gây ra tâm lý không tốt và những xáo trộn trên thị trường những tháng cuối năm. Những ai quan tâm tới vấn đề này hẳn chưa quên hậu quả của cuộc đua tăng lãi suất những năm trước khi các ngân hàng lao vào cuộc đua tăng lãi suất và vòng xoáy này đã suýt “nhấn chìm” một số ngân hàng và làm cả hệ thống lao đao chống đỡ.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng là để giữ khách. Động thái này xuất phát từ khả năng huy động vốn đang trở nên khó hơn do phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang khá hấp dẫn như vàng, chứng khoán, bất động sản… Với một số ngân hàng, việc tăng lãi suất tiền gửi có thể để cơ cấu lại nguồn vốn hoặc bổ sung nguồn vốn ngắn hạn và chuẩn bị cho vụ mùa cho vay vào cuối năm khi mà nhu cầu vay của các DN rất lớn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một nguyên nhân quan trọng: một số ngân hàng thiếu thanh khoản do tình trạng nợ xấu vẫn ở mức cao, cần huy động vốn để trả nợ cũ.

Dù với nguyên nhân nào đi nữa thì việc NHNN chỉnh đốn các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và mạnh ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao là rất cần thiết.

Đã tìm ra nguyên nhân của cuộc đua tăng lãi suất thì phải hãm phanh cuộc đua, không để các ngân hàng tiếp tục “tùy ý” điều chỉnh lãi suất với mục đích thu hút tiền gửi, điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, gây bất ổn thị trường tiền tệ, đúng như NHNN đã cảnh báo.

HẢI LĂNG
 
;
.