Sử dụng thuốc có trách nhiệm

Thứ Năm, 24/10/2019, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi bị sốt nhẹ, sau chuyến công tác khi phải giang nắng cả buổi ở một bến cảng. Có lẽ chỉ là cảm cúm thông thường, vì vậy, tôi chỉ sử dụng chút gừng pha với nước ấm và một vài trái chanh tươi để tăng sức đề kháng. Quan tâm tới tôi, khi nghe giọng nói không được khỏe qua điện thoại, mẹ, người thân, bạn bè hầu như đều hỏi: Thế đã uống thuốc chưa?

Và sau câu hỏi ấy, mỗi người tư vấn cho tôi một số loại thuốc được coi là hiệu quả, được rút ra từ kinh nghiệm của mỗi người sau những lần bị ốm. Thậm chí, khi tôi vừa trở về nhà vào chiều tối hôm sau, chị hàng xóm đã ghé nhà với vỉ thuốc trên tay khi cho rằng, chắc chắn tôi chưa kịp ghé hiệu thuốc và tốt nhất nên uống loại thuốc mà chị dự trữ sẵn ở nhà, có xuất xứ từ Pháp, rất hiệu quả với cảm cúm.

Cảm cúm, nếu đúng là vậy, thì tôi đã bị nhiễm bệnh từ vi rút cúm gì đó (chưa xác định vì tôi chưa được làm xét nghiệm), hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Cũng có thể tôi mắc một chứng bệnh khác, nguyên nhân khác dẫn đến sốt nhẹ và có triệu chứng như cảm cúm. Vậy nhưng, những “thầy thuốc” quanh tôi đều đưa ra những lời khuyên dựa trên cảm tính cá nhân mà không có bất cứ bằng chứng cụ thể về mặt y học nào. Đó cũng là tình huống mà nhiều người khác thường gặp mỗi ngày khi chẳng may sức khỏe suy giảm, có biểu hiện mệt mỏi. 

Đồng nghiệp tôi đã kể một câu chuyện khá hài hước khiến ai nghe cũng bật cười, rằng mẹ cô ấy từng đi khám bệnh và tự khai thêm bệnh để được kê thêm thuốc từ bác sĩ và… đem về làm quà cho bà bạn hàng xóm! Câu chuyện quả là hài hước, khó tin nhưng lại đang diễn ra trên thực tế và không hiếm gặp. Thói quen tự trở thành bác sĩ của chính mình, thậm chí cho cả người thân, những người xung quanh đang khá phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn dựa vào “bác sĩ” google để tự chẩn đoán, điều trị cho chính mình mà không cần đến bệnh viện để được thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa. Chỉ đến khi có những hệ lụy phát sinh, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mới tá hỏa và ân hận vì những tùy tiện của mình trong sử dụng kháng sinh. Mới đây, tôi đã chứng kiến một ca bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc tự ý dùng thuốc để điều trị cho chính mình. Cô gái ấy-H. mới chỉ ngoài 30 tuổi đã bị mù hoàn toàn một con mắt chỉ trong vòng 4 tháng! Do bị muội than bay vào mắt, H. đã dùng tay để dụi nhiều lần và tự mua thuốc về nhỏ, con mắt trái cứ vậy mỗi ngày một mờ đi. Cho đến khi chịu không thấu H. mới đến bệnh viện để khám thì bác sĩ cho biết giác mạc đã bị tổn thương nghiêm trọng do sử dụng thuốc có chứa corticoid kéo dài. 

Trong mấy năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động chương trình phòng, chống kháng thuốc với hi vọng chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng. Các hoạt động truyền thông đã được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức về kháng thuốc và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhà nhà, người người lạm dụng kháng sinh, sử dụng bừa bãi như hiện nay thì việc có được các chính sách và cam kết mạnh hơn của cấp lãnh đạo vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Chúng ta cần phải vận động cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều biết cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi nhà quản lý, nông dân, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân và người tiêu dùng… phải hành động để chấm dứt sự gia tăng của nguy cơ kháng thuốc trong cộng đồng. Bởi, ngay cả bác sĩ, dược sĩ cũng đang “tiếp tay” cho việc lạm dụng kháng sinh, khi mà không cần chỉ định (toa) của bác sĩ, bất cứ ai cũng mua được kháng sinh ở các nhà thuốc; bác sĩ  bán thuốc thay dược sĩ và không tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế. 

Có cầu ắt có cung, để chấm dứt tình trạng lạm dụng kháng sinh thì giải pháp hiệu quả nhất vẫn là truyền thông đủ mạnh để thay đổi nhận thức ở mỗi người, ở mọi tầng lớp xã hội về sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Song song đó là mạnh tay sử dụng những chế tài để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hành nghề y, dược. Quản lý chặt, có giám sát việc kê toa, theo dõi sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng “phá vỡ” phác đồ điều trị do trình độ chuyên môn yếu kém hoặc lý do khác. 

“Chúng tôi chỉ hy vọng người bệnh tìm đến bác sĩ khi bị bệnh, bởi chỉ có bác sĩ mới hiểu được, đâu là thuốc nên dùng và không nên dùng, dùng liều lượng như thế nào phù hợp cho mỗi người. Tự ý dùng thuốc gây nên những hiểm họa thực sự không lường hết”, một bác sĩ lâu năm đã đưa ra lời khuyến cáo. 

THẢO LINH 

 

;
.