"Chấm điểm" sở, ngành và địa phương

Chủ Nhật, 20/10/2019, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Một DN đang đầu tư dự án tại KCN đóng trên địa bàn tỉnh cho biết, trong quá trình làm thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng dự án, khó khăn nhất không phải là ở lãnh đạo cấp tỉnh mà đến từ các sở, ngành. Tình trạng dây dưa, kéo dài và chậm có hồi đáp cụ thể khiến các nhà đầu tư phải “chạy lòng vòng” từ sở này qua sở khác đã khiến cho họ mệt mỏi. Thậm chí, một số nhà đầu tư không chờ đợi nữa mà tìm đến các tỉnh, thành phố khác. Tại các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của DN về thủ tục cấp phép đầu tư rườm rà, kéo dài từ phía một số sở, địa phương trong việc thẩm định, lấy ý kiến... Điều này khiến cho tỉnh mất đi nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh.

Trên thực tế cho thấy, hiện nay vấn đề quản trị công ở cấp cơ sở còn thấp, thiếu công cụ giám sát, đo lường sự hài lòng của người thụ hưởng dịch vụ và tiếp nhận thông tin phản hồi… Đây là “điểm yếu” cần sớm được khắc phục nhằm thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Mục tiêu tổng thể của việc triển khai DDCI là thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, huyện, thị xã tại mỗi tỉnh, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh cá thể, HTX đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Tại hội nghị này, kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh cho thấy, sáng kiến thực hiện chỉ số đánh giá thực thi cấp sở, ngành, địa phương mà tỉnh này thực hiện thời gian qua rất nổi bật. Từ trước đến nay, việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế ở các cấp nói chung, cấp tỉnh nói riêng chủ yếu dựa trên hệ thống chỉ tiêu đánh giá từ bên trong và đánh giá theo đầu ra. Cụ thể, đánh giá bên trong chủ yếu là hệ thống đánh giá do cơ quan nhà nước tự tiến hành và kết quả thông thường như tổ chức trong sạch vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ, thay đổi tích cực. Còn đánh giá đầu ra chủ yếu tập trung vào số lượng hoạt động như ban hành được bao nhiêu kế hoạch, văn bản,... (thể hiện số lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước). Cách đánh giá truyền thống này chưa đầy đủ, chưa khách quan, chưa gắn với thực tiễn, chưa đo lường được kết quả là tác động của chính sách, công việc đó đem lại tác động đến người dân, DN như thế nào. Trong khi đó, các công cụ như chỉ số DDCI mà Quảng Ninh thực hiện được đo lường từ sự hài lòng của DN, hộ kinh doanh về chính quyền cơ sở và sở, ngành. Điều này tạo được sức ép thay đổi, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính quyền cơ sở, cung cấp các thông tin quý báu cho lãnh đạo điều hành và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và DN.

Nếu DDCI được triển khai tại BR-VT trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ được DN, HTX, người dân “chấm điểm” một cách công khai, khách quan, công bằng. Đồng thời, là động lực thúc đẩy sự quyết liệt cải cách của các sở, ngành, địa phương, thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của cán bộ công chức các cấp, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, coi DN là đối tác và khách hàng của hệ thống dịch vụ công. Trong đó, sự hài lòng của DN thực sự trở thành thước đo chuẩn mực đối với chất lượng dịch vụ của cơ quan công quyền.

NGÔ GIA

 

;
.