Những năm chìm trong khủng hoảng của Venezuela

Thứ Sáu, 25/01/2019, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người Venezuela phản đối chính quyền vì cho rằng Maduro thâu tóm quá nhiều quyền lực và chính sách của ông dẫn đến suy thoái.

Người biểu tình đốt xe khi đụng độ với lực lượng an ninh tại Caracas ngày 23-1.
Người biểu tình đốt xe khi đụng độ với lực lượng an ninh tại Caracas ngày 23-1.

Khi Nicolas Maduro năm 2018 đắc cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử bị một số chính phủ nước ngoài coi là “giả dối”, ông tuyên bố giờ mình là “Tổng thống dày dặn kinh nghiệm hơn”. Nhưng 2 tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp: Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido hôm 23-1 tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời của Venezuela. Đây là cao điểm căng thẳng sau 5 năm Venezuela lâm vào khủng khoảng.

Tháng 3-2013, lãnh đạo lâu năm của Venezuela Hugo Chávez qua đời vì ung thư. Người kế nhiệm, Nicolas Maduro, tiếp nối những chính sách phúc lợi và kiểm soát giá cả của Chavez. Các chính sách của Maduro thất bại. Venezuela, nước từng có nền kinh tế giàu có bậc nhất châu Mỹ Latin với trữ lượng dầu lớn hơn Arab Saudi và Iran, nhanh chóng rơi vào suy thoái.

Chi phí nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc men vượt ra ngoài tầm với của người dân, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm cũng tăng vọt. Việc giá dầu giảm năm 2016 khiến kinh tế nước này thêm khó khăn. Năm 2017, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ vượt quá 2.600%. Trong báo cáo công bố tháng 5-2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, hầu hết người Venezuela không ăn đủ no. Nhiều người rời bỏ đất nước để tránh khủng hoảng. Liên hợp quốc từ năm 2014 đến nay ước tính 3 triệu người Venezuela đã di cư.

Khi sự giận dữ của công chúng với Maduro tăng lên, ông tìm cách củng cố quyền lực. Maduro cố gắng vô hiệu hóa cơ quan lập pháp sau khi phe đối lập nắm quyền kiểm soát quốc hội năm 2015. Tháng 3-2017, Tòa án Tối cao Venezuela, gồm nhiều người trung thành với Maduro, tuyên bố họ có quyền tước bỏ mọi quyền lực của Quốc hội.

Động thái này, kết hợp với sự thất vọng về khủng hoảng kinh tế đã khiến hàng chục ngàn người Venezuela xuống đường. Các cuộc biểu tình lớn và đụng độ với cảnh sát diễn ra trong nhiều tuần. Khoảng 120 người chết trong các sự cố liên quan đến biểu tình. Phe đối lập cho rằng Maduro muốn “xây dựng chế độ độc tài” trong khi Tổng thống gọi những người chống đối là “thành phần khủng bố và phá hoại”.

Tòa án Tối cao sau đó rút lại nỗ lực vô hiệu hóa Quốc hội, nhưng Maduro tiếp tục công bố kế hoạch viết lại Hiến pháp Venezuela. Tháng 5-2017, bất chấp bị lên án mạnh mẽ, Maduro tuyên bố thành lập một hội đồng lập hiến mới có quyền tối cao đối với tất cả các nhánh trong Chính phủ - tức là có thể thay thế Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Khi Maduro đắc cử vào tháng 5-2018, nhiều cử tri đã tẩy chay cuộc bầu cử này. Tỷ lệ cử tri đi bầu là 46%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 80% của cuộc bầu cử năm 2013.

Mỹ không công nhận kết quả bầu cử. Canada và một liên minh gồm 14 quốc gia Mỹ Latin cũng tuyên bố cuộc bỏ phiếu này bất hợp pháp, bao gồm: Argentina, Mexico, Brazil, Chile, Colombia, Panama, Paraguay, St. Lucia, Guyana, Peru, Honduras, Guatemala và Costa Rica.

Maduro tuyên thệ nhậm chức đầu tháng này, 8 tháng sau cuộc bầu cử. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán lạm phát sẽ lên đến 10 triệu % năm 2019. Chính quyền Maduro liên tục tăng lương tối thiểu, khiến lạm phát ngày càng trầm trọng.

Chính quyền Tổng thống Trump gây áp lực với Maduro bằng các biện pháp trừng phạt tài chính. Trong khi đó, Maduro cáo buộc Mỹ “khủng bố kinh tế”, gây ra tình trạng khó khăn của Venezuela.

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, 35 tuổi, tuần này thách thức Maduro. Guaido nổi lên từ cuối năm ngoái, khi lực lượng an ninh Venezuela bắt khoảng 30 người, trong đó có ông và 2 tướng quân đội, sau âm mưu ám sát hụt nhằm vào Maduro trong cuộc duyệt binh ở Caracas hôm 4-8-2018. Sau khi được thả, nghị sĩ trẻ này vào tháng 1 được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Ngày 23-1, Guaido tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời trong cuộc biểu tình chống Chính phủ lớn ở Caracas. Ông nói rằng ngày này đánh dấu sự khởi đầu của một phong trào không thể ngăn cản nhằm khôi phục nền độc lập và dân chủ. Các cuộc đụng độ nổ ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Vệ binh Quốc gia phun hơi cay vào đám đông.

Cộng đồng thế giới chia rẽ trong việc ủng hộ ai là Tổng thống Venezuela. Mỹ, các nước Mỹ Latin bao gồm: Brazil, Colombia và Argentina công nhận Guaido là Tổng thống. Pháp, Anh và EU phản đối Maduro nhưng không thể hiện rõ rằng họ ủng hộ tư cách Tổng thống của Guaido. Họ kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới và ca ngợi việc người Venezuela biểu tình đòi tự do dân chủ.

Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Cuba và Bolivia đứng về phía Maduro. Giới lãnh đạo quân sự Venezuela và Tòa án Tối cao nước này vẫn giữ trung thành với Maduro.

Vài giờ sau khi Tổng thống Trump công nhận Guaido, Maduro tuyên bố cắt quan hệ với Mỹ và cho các nhà ngoại giao Mỹ 72 giờ để rời khỏi nước này. Venezuela còn đóng cửa đại sứ quán, lãnh sự quán ở Mỹ và rút về tất cả nhân viên ngoại giao.

Chưa rõ cuộc khủng hoảng này sẽ đi đến đâu. Guaido đã vạch ra một lộ trình cho Venezuela: Sau khi thành lập Chính phủ chuyển tiếp, ông sẽ khôi phục thượng tôn pháp luật và sau đó tổ chức bầu cử tự do để “tất cả người dân Venezuela có thể quyết định tương lai”. Tuy nhiên, quân đội và Tòa án Tối cao vẫn ủng hộ Maduro. 

PHƯƠNG VŨ

;
.