Chuyện chưa kể về vụ khủng bố ngày 11-9

Thứ Sáu, 21/09/2018, 08:36 [GMT+7]
In bài này
.

Đến nay, đã 17 năm kể từ ngày diễn ra vụ khủng bố 11-9-2001 nhằm vào Tòa tháp đôi (Trung tâm Thương mại thế giới - WTC) tại thành phố New York, Mỹ. Xung quanh vụ khủng bố, vẫn còn nhiều chuyện được giữ cho đến tận bây giờ.

Chiếc F-16 của Heather lúc cất cánh khỏi sân bay Andrews (ảnh của Không quân Mỹ).
Chiếc F-16 của Heather lúc cất cánh khỏi sân bay Andrews (ảnh của Không quân Mỹ).

Khi 2 chiếc máy bay hành khách số hiệu 11 và 175 của 2 hãng hàng không American Airlines, United Airlines bị bọn khủng bố Al Qaeda chiếm quyền điều khiển rồi lao vào Tòa tháp đôi, nữ trung úy phi công Heather Penney thuộc Lực lượng Không quân vệ binh quốc gia đang trực tại sân bay Andrews, New York. Lúc nhận được tin còn một chiếc nữa, số hiệu 93 cũng đã bị bọn khủng bố kiểm soát và đang hướng về thủ đô Washington thì Heather cùng đại tá Marc Sasseville lập tức lên 2 chiếc tiêm kích F-16 với ý định sẽ đâm vào chiếc máy bay số hiệu 93 cho nổ tung giữa trời để ngăn nó lao xuống Nhà trắng - nơi ở và làm việc chính của Tổng thống Mỹ hoặc điện Capitol - trụ sở của Quốc hội Mỹ…

1. Ngày 11-9-2001 là một ngày bình thường của trung úy Heather Penney. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình History, cô nói: “Sáng hôm đó, tôi tham dự cuộc họp tại Căn cứ Không quân Andrews để lập kế hoạch đào tạo hàng tháng. Khoảng 8 giờ 45 phút, có người đẩy cánh cửa phòng rồi hét lớn: “Này! Một chiếc máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới WTC”. Heather nói: “Thoạt đầu, tôi nghĩ đó là máy bay nhỏ của tư nhân vì như bạn biết, loại này thường hay mất kiểm soát…”, nhưng chỉ vài phút sau, một người khác lại thò đầu qua cánh cửa phòng họp: “Một chiếc máy bay nữa đã lao vào WTC”. 

Lập tức, chiếc tivi đặt ở góc phòng được mở lên. Trước mắt mọi người, hai tòa tháp đang bốc cháy ngùn ngụt: “Rõ ràng là nước Mỹ đã bị tấn công chứ không phải một tai nạn tình cờ” - Heather kể: “Đó là khi tôi nhận ra rằng thế giới xung quanh tôi đã thay đổi…”.

Trong giây lát, không khí hốt hoảng bao trùm cả phòng họp. Đại tá Marc Sasseville, Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Andrews quay sang Heather: “Này cô, đi với tôi. Chúng ta sẽ cất cánh”. Heather kể: “Tôi nhanh chóng mặc bộ quần áo bay nhưng không biết là sẽ đi đâu, làm gì, vì không hề có một mệnh lệnh rõ ràng. Hơn nữa, chiếc tiêm kích F-16 của tôi lại chưa được lắp bất kỳ một loại vũ khí nào cả”.

Và trong khi trên đường ra bãi đỗ máy bay, Heather lại nghe thêm một tin dữ: Lầu Năm góc vừa bị một chiếc Boeing số hiệu 77 lao vào. Bên cạnh đó, trên trời vẫn còn một chiếc Boeing khác, số hiệu 93 đã bị bọn không tặc chiếm quyền điều khiển, đang hướng đến Thủ đô Washington. Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ tin rằng mục tiêu của nó có thể là Nhà trắng - nơi ở và làm việc chính của Tổng thống Mỹ hoặc điện Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ.

2. Thông thường, phải mất 30 phút để phi công kiểm tra thiết bị trước khi chiếc tiêm kích F-16 có thể cất cánh nhưng lúc Heather bắt đầu tiến hành các động tác quen thuộc thì đại tá Sasseville quát lớn: “Cô làm gì vậy? Nổ máy đi”. Heather kể: “Lập tức, tôi bật công tắc khởi động 2 động cơ phản lực trong lúc ở dưới đất, một người lính kéo hai khối nhựa cứng chèn bánh xe máy bay. Khi chuẩn bị cất cánh, tôi nghe được mệnh lệnh qua hệ thống truyền tin gắn trong mũ bay, rằng phải bắn hạ chiếc Boeing 93 bằng mọi cách”.

Tuy nhiên, cả 2 chiếc F-16 đều không có bất kỳ một loại vũ khí nào còn khẩu pháo Vulcan 20mm đặt trước buồng lái thì chưa nạp đạn. Heather kể tiếp: “Trong lúc còn đang phân vân về cách hạ chiếc Boeing 93, tôi nghe đại tá Sasseville nói: “Nếu thấy nó, tôi sẽ lao vào đầu nó còn cô lao vào đuôi, rõ chưa”. Điều ấy nghĩa là Sasseville cùng  Heather sẽ đâm trực diện 2 chiếc F-16 vào chiếc Boeing có trọng lượng gấp 7 lần máy bay họ, và chắc chắn là họ sẽ chết cùng tất cả mọi người trên chiếc Boeing. Heather nói: “Cha tôi là John Penney, một đại tá không quân sau khi nghỉ hưu thì bay cho hãng Hàng không United Airlines. Biết đâu cha tôi lại đang điều khiển chiếc máy bay mà tôi sẽ làm nhiệm vụ tự sát”.

Trong 90 phút tiếp theo, Heather và Sasseville quần nát bầu trời Washington DC để tìm chiếc máy bay thứ tư số hiệu 93. Họ bay cách nhau 30m và nếu nhìn thấy nó, cả hai sẽ lao thẳng vào nó như đã định. Trong tâm trí Heather, mặc nhiên tất cả những hành khách trên chiếc Boeing 93 - cũng như cô và đại tá Sasseville - không ai sống sót nhưng việc ấy sẽ cứu được rất nhiều những sinh mạng ở dưới đất. Có lúc trong đầu Heather đã nảy ra ý định là khi chiếc F-16 của cô gần chạm vào chiếc Boeing, cô sẽ bấm nút ghế phóng để thoát ra nhưng rồi cô bật cười vì cho dù có thoát ra chăng nữa thì vụ nổ của 3 chiếc máy bay khi va chạm cũng nướng chín cô trước khi ghế phóng lên đến độ cao cần thiết để có thể kích hoạt bộ phận làm bung dù.

Heather sau khi hạ cánh xuống sân bay Andrews trưa 11-9.
Heather sau khi hạ cánh xuống sân bay Andrews trưa 11-9.

Một tiếng sau đó, trong hệ thống thông tin, Heather nhận được tin chiếc máy bay Boeing số hiệu 93 đã rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Sau này cô còn được biết thêm là nhiều hành khách trên máy bay đã dũng cảm ngăn chặn bọn khủng bố. Kết quả dù rất bi thảm nhưng bọn khủng bố đã không thực hiện được mục tiêu vạch ra. Heather kể: “Chúng tôi được lệnh chuyển sang bảo đảm an ninh không phận bởi lẽ không phải tất cả mọi chiếc máy bay đã cất cánh vào sáng hôm đó đều nhận được lệnh của Cơ quan hàng không Liên bang Mỹ FAA, là ra khỏi vùng trời Washington DC. Nhiệm vụ của tôi và đại tá Sasseville là buộc tất cả phải tránh xa khu vực thủ đô, hoặc hạ cánh xuống các sân bay ở những bang lân cận ngay khi có thể”.

3. Tại thời điểm các cuộc tấn công khủng bố xảy ra, Tổng thống George W. Bush đang tham dự một buổi lễ tại Trường Tiểu học Sarasota, bang Florida. Lúc nhận được tin báo chiếc Boeing thứ 2 đã lao vào WTC, đội bảo vệ đã đưa ông Bush lên chiếc chuyên cơ Không lực 1 rồi bay đến một địa điểm an toàn. Về phía Heather, sau khi lấy thêm nhiên liệu và lắp vũ khí, từ đó đến tối cô cùng những chiếc F-16 khác liên tục tuần tra trên bầu trời Wasington DC. Họ được phép bắn vào tất cả mọi chiếc máy bay dân sự nào xâm phạm không phận mà chẳng cần phải cánh báo trước bởi lẽ đến lúc ấy, Lầu Năm góc vẫn chưa biết liệu có còn cuộc tấn công khủng bố nào nữa hay không.

Sau sự kiện 11-9, Heather được thăng chức đại úy. Trong 3 năm tiếp theo, cô đã 2 lần sang Iraq với vai trò phi công chiến đấu, yểm trợ cho những đơn vị bộ binh dưới mặt đất tiêu diệt phiến quân Taliban. Năm 2015, Heather nghỉ hưu với cấp hàm thiếu tá và hiện tại, cô đang làm việc cho Công ty chế tạo máy bay Lockheed Martin Aeronautics với vai trò phi công thử nghiệm.

Nhớ lại chuyến bay “tự sát” hôm 11-9,  Heather nói: “Ngay những giây phút ấy, tôi đã quyết định hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ những người vô tội dưới mặt đất. Tôi không phải là anh hùng, tôi chỉ là một trong rất nhiều những nhân chứng, chứng minh cho lòng yêu nước mà thôi…”.

Vũ Cao
Theo History

 
;
.