"Hòa bình - Một Tương lai mới"

Thứ Năm, 20/09/2018, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Một tuyên bố chung. Một hiệp ước quân sự. Rất nhiều cái bắt tay, ôm hôn giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hy vọng về hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại được thắp lên đúng như khẩu hiệu “Hòa bình - Một Tương lai mới” của hội nghị.

Gần 20 lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc cùng với Tổng thống Hàn Quốc tới Triều Tiên lần này.
Gần 20 lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc cùng với Tổng thống Hàn Quốc tới Triều Tiên lần này.

Xung lực mới trên Bán đảo Triều Tiên

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm 2018 đã kết thúc tốt đẹp với nhiều cam kết hứa hẹn tạo thêm xung lực mới cho Bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc họp báo công bố kết quả hội nghị, lãnh đạo 2 bên đã nhất trí một số bước đi để vực dậy đàm phán đang bị đình trệ về chương trình hạt nhân Triều Tiên và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Cụ thể, 2 bên có kế hoạch kết nối đường sắt, tiếp tục tổ chức đoàn tụ gia đình bị ly tán do chiến tranh, hợp tác về y tế. Khả năng mở lại KCN chung Kaesong, nối lại các tour du lịch núi Kim Cương ở Triều Tiên sẽ diễn ra khi có điều kiện phù hợp. 2 bên nhất trí đồng vận động tổ chức Thế vận hội mùa Hè 2032. Đặc biệt, chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ diễn ra ngay trong năm nay. Nếu diễn ra, đó sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Seoul.

Tại buổi họp báo chung, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, nhất trí cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát quá trình dỡ bỏ vĩnh viễn cơ sở tên lửa chính Tongchang-ri, đồng thời sẽ thực hiện thêm các bước đi như đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon tùy vào động thái của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, 2 bên sẽ biến Bán đảo Triều Tiên thành một vùng đất hòa bình, không vũ khí hạt nhân và đe dọa hạt nhân.

Trong hiệp ước quân sự mà 2 bộ trưởng quốc phòng ký kết, 2 bên cam kết giảm căng thẳng và ngăn chặn xung đột vũ trang. Cụ thể, 2 bên sẽ thiết lập vùng “cấm bay” trong đường ranh giới quân sự từ ngày 1-11; ngừng tập trận gần đường ranh giới này; thiết lập vùng đệm trên biên giới biển để tránh xung đột; thiết lập khu vực đánh bắt cá chung thử nghiệm trên biên giới khu vực biển phía Tây.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá là một bước nhảy tiến tới một kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Còn theo bình luận trên tờ Bloomberg, chỉ riêng việc tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa trong năm 2018 đã là một thành công và báo trước tương lai tiếp tục đối thoại giữa 2 miền Triều Tiên, kể cả với Mỹ.

Triển vọng hợp tác kinh tế liên Triều

Ngoài chủ đề chính là hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa, một vấn đề được hai bên quan tâm nữa là hợp tác kinh tế liên Triều. Một bằng chứng thấy rõ là có hàng chục lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng.

Có thể kể tới những cái tên lớn như tập đoàn Samsung, các công ty điều hành tàu hỏa quốc gia KORAIL, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, tập đoàn Huyndai, SK, LG… Một nguồn tin cho biết các lãnh đạo DN sẽ họp riêng rẽ với các quan chức liên quan bên phía Triều Tiên để thảo luận vấn đề kinh doanh và kinh tế.

Các chuyên gia nhận xét với hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap rằng các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo liên Triều đã được phản ánh bằng cách chỉ số trên thị trường chứng khoán. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy 2 bên có các dự án trao đổi sẽ tạo đà tăng cho thị trường chứng khoán.

Theo ông Lee Kyung-min, một chuyên gia tại công ty chứng khoán Daeshin, các nhà đầu tư theo dõi sát sao diễn biến để xem hội nghị có đặt nền móng cho quá trình hợp tác kinh tế liên Triều hay không. Ông nhấn mạnh: “Một trong những điều kiện tiên quyết chủ yếu cho các thực thể kinh doanh Hàn Quốc vào Triều Tiên là dỡ bỏ trừng phạt quốc tế”. Dỡ bỏ trừng phạt lại phụ thuộc vào tiến triển trong thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên của năm 2018, 2 bên đã phối hợp để kết nối lại đường bộ và đường sắt. Ông Kim Il-hyuk, chuyên gia công ty chứng khoán KB, nhận định: “Nếu trao đổi liên Triều tăng tốc, các lợi ích kinh tế sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng”.

Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Moon Jae-in đang chuẩn bị nối lại các dự án hợp tác kinh tế liên Triều sau khi hoạt động ngoại giao mang lại nhiều kết quả. Hiện nay, toàn bộ dự án kinh tế chung giữa hai miền Triều Tiên vẫn bị đình trệ vì vướng lệnh trừng phạt của LHQ.

2 nhà lãnh đạo liên Triều đã bước vào hội nghị với một tâm thế mới, cởi mở và chân thành. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng đã mở ra rất nhiều hứa hẹn hòa bình và cơ hội hợp tác toàn diện cho cả hai bên. Hi vọng hội nghị sẽ là một bước đi vững chắc nhằm đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực hòa bình, hoàn toàn không có hạt nhân như mong muốn của hai lãnh đạo liên Triều và toàn thế giới.

THÙY DƯƠNG

;
.