Nhà Lớn Long Sơn - Kỳ 3: Những tục lệ huyền bí

Thứ Ba, 05/11/2019, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc mà Nhà Lớn còn cùng cộng đồng lo toàn bộ việc ma chay của từng người khi chết theo ý niệm “Nhất gia hữu sự, bá gia cùng lo”.

Dì Ba Kiềm sắp xếp lại những bó lá dừa nước dùng để tặng cho các gia đình có người thân qua đời.
Dì Ba Kiềm sắp xếp lại những bó lá dừa nước dùng để tặng cho các gia đình có người thân qua đời.

Theo tục lệ ở đây, khi có người qua đời, Nhà Lớn sẽ trích quỹ mua tặng nhà có đám 6 tấm lá, 2 tấm đệm, 4,5m vải trắng, 4,5m vải đỏ và một bao gạo cùng các nhu yếu phẩm phục vụ đám ma. Ngoài hiện vật, mỗi nhà có đám còn được hỗ trợ 500.000 đồng để thuê người xây mộ. Đưa cho chúng tôi xem từng xấp vải đỏ, vải trắng, dì Ba Kiềm cho hay: Số vải này được Nhà Lớn đặt mua ở chợ Bà Rịa. Sau khi mua về, các dì cắt ra mỗi khúc vải 4,5m, xếp vuông vức, gọn gàng để vào tủ. Người chết sẽ dùng chung “lồng liệt” (hay còn gọi là quan tài). “Lồng liệt” có nắp được làm từ cây lồ ô, xung quanh thân đan bằng tre, tạo thành một cái lồng, phía dưới đáy là miếng gỗ. “Lồng liệt” được phủ sơn đỏ, hai đầu vẽ những bông sen vàng. Có thể hình dung “liệt” dùng để đặt xác chết, còn “lồng” dùng để che xác chết. “Hồi xưa ông quan niệm “sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách”, nghĩa là lúc sống thì mọi người cùng làm việc, ăn chung, do vậy đến khi chết cũng phải dùng chung một cái “lồng liệt”. Tục lệ này còn mang ý nghĩa sâu xa nữa là không phân biệt người sang hay dân hèn, người có chức quyền hay không đều bình đẳng như nhau khi chết”, dì Ba Kiềm giải thích thêm.

Tại căn phòng dùng để “lồng liệt”, ngay cạnh đó là những bó lá dừa nước đã được phơi khô, xếp ngay ngắn vào góc nhà; những tấm cói được xếp lớp, ngăn nắp kê dưới bàn…

Cũng theo lời kể của dì Ba Kiềm, ở Long Sơn, đám tang được tổ chức rất đơn giản. Người đã mất được quấn trong 3 lớp. Lớp thứ nhất là 4,5m vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ ba là 4,5m vải đỏ, sau đó quấn tiếp bằng 5 ruột vải trắng, gọi là “võng thân” - dùng để đưa thi hài xuống huyệt, rồi thi hài mới được đặt vào chiếc bao quan thỉnh ở Nhà Lớn về. Dưới đáy huyệt đã được để sẵn một đôi đệm, một đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm, người xưa dùng để lợp nhà) xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái. Sở dĩ vậy là do người dân nơi đây luôn có ý niệm người đã khuất cũng cần có nhà để không phải bơ vơ, hoang lạnh.

Dì Ba Kiềm bên cạnh chiếc “lồng liệt”.
Dì Ba Kiềm bên cạnh chiếc “lồng liệt”.

Tang lễ của những người theo Ông Trần ở Long Sơn thật đơn giản, không rườm rà, không gây tốn kém và có nhiều điểm tiến bộ. Nhà có người quá cố không làm cỗ đãi khách đến viếng. Xác chết không quàn tại nhà quá 24 giờ (nếu chết buổi sáng thì buổi chiều đưa đi chôn, nếu chết buổi chiều hoặc buổi tối thì chôn vào sáng ngày hôm sau). Không cần chọn giờ làm lễ nhập quan, di quan... Về quy định không dùng quan tài, xác chết chỉ chôn không trong đất, tương truyền được Ông Trần giải thích, con người sinh ra và lớn lên nhờ đất, nước, không khí... đến lúc người ta chết đi cũng phải trả về với đất, nước... Việc chôn cất như vậy là để mau tiêu hủy, chóng siêu thoát, ít tốn kém vô ích và bảo đảm vệ sinh công cộng. Tục xả tang tại huyệt cũng được giải thích là không gây ưu phiền và tốn kém cho người còn sống. Sau khi hạ huyệt xong chiếc quan tài được lấy lại và đem về chỗ cũ. Trong một ngày nếu như xã có 2-3 người chết thì người dân sẽ tự phân chia giờ để chôn cất. Mộ phần sẽ được gia đình xây ngay sau đó. Mộ được đắp thành nấm, không dựng bia, khắc chữ.

Theo các cụ cao niên ở Nhà Lớn, từ ngày khai hoang lập làng đến nay, đây là chiếc “lồng liệt” thứ hai được dùng cho việc chôn cất. Chiếc đầu tiên từ thời Ông Trần còn sống nhưng sau đó vì thời gian và hỏng nhiều nên được làm lễ tiêu hủy và cho người làm chiếc khác để tiếp tục tục lệ trên. Chiếc “lồng liệt” đã được sử dụng bao năm qua, lâu lâu Nhà Lớn lại tu sửa bằng cách quét sơn lên quan tài, hàn gắn những vết nứt để làm ấm lòng bao người đã khuất.

Bài, ảnh: SONG THẢO

;
.