Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiệm thuốc Bắc qua ba thế hệ

Thứ Sáu, 01/11/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có hàng chục tiệm thuốc Bắc của bà con người Hoa, tập trung ở các vùng đô thị, thị trấn. Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà thuốc Tây, hiện nay chỉ còn một số tiệm thuốc Bắc hoạt động. 

Lương y Ngô Tín Cường hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Lương y Ngô Tín Cường hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Nhắc đến tiệm thuốc Bắc ở TP. Vũng Tàu, nhiều người thường nói đến tiệm thuốc Bảo Thiên Long (209, Nguyễn An Ninh, phường 9), Minh Nguyệt Đường (40, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam); ở TP. Bà Rịa có tiệm Bá Hoa Đường (201, Cách mạng Tháng Tám), Con Cá Vàng (60 Lê Quý Đôn). Tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, một khu phố có đến 3 tiệm thuốc bắc: Tế Vĩnh Đường, Đức An Đường và Tế Sinh Đường… Ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, nằm sâu trong con hẻm của khu phố Tường Thành, có tiệm thuốc Thọ Nguyên Đường. Tiệm nằm khiêm nhường giữa dãy phố chợ xưa, do lương y Ngô Tín Cường làm chủ, đến nay đã hoạt động được hơn 50 năm. Nhiều người dân trong vùng, từ thị trấn Phước Hải đến huyện Xuyên Mộc thường xuyên tới bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc tại đây.

Lương y Ngô Tín Cường, SN 1953 trong một gia đình người Hoa, có cha làm nghề thuốc bắc tại xã Phước Long Thọ (nay là thị trấn Đất Đỏ, huyện  Đất Đỏ). Ông cho biết, tiệm thuốc bắc Thọ Nguyên Đường do cha ông để lại, sau khi qua đời. Năm 1972, gia đình ông Cường bị bom đánh sập, nên đã chuyển đến khu phố Tường Thành hiện nay. Trong tiệm thuốc có tủ chứa đến gần 100 vị thuốc bắc, đi từ ngoài vào đã ngửi thấy mùi thuốc lan tỏa. Phần lớn các vị thuốc này đều nhập từ phố thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Trên bàn bốc thuốc có một chiếc cối giã bằng đồng, một chiếc cân tiểu ly và một bàn tính gỗ. Phía cửa đi vào nhà trong, bên trên là một tấm hoành phi có 3 chữ sơn son, thếp vàng bằng chữ Hán cổ, phiên âm “Thọ Nguyên Đường”. Đây là hiện vật lâu đời duy nhất do cha để lại mà ông còn giữ được.

Gia đình lương y Ngô Tín Cường có 4 người con (1 gái, 3 trai), trong đó có 2 người theo nghề thuốc gia truyền. Người con trai lớn là Ngô Anh Phong, làm việc tại khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ và cô con gái Ngô Thị Hương phụ bốc thuốc tại nhà.

Lương y Ngô Tín Cường bào chế thuốc Bắc.
Lương y Ngô Tín Cường bào chế thuốc Bắc.

Chúng tôi đang trò chuyện thì có 4 người bệnh đến bắt mạch, bốc thuốc. Ông Cường niềm nở chào hỏi rồi ân cần bắt mạch, bốc thuốc cho từng người. Chị Phạm Thị Yến Mai, 26 tuổi, trú tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc cho biết, chị là bệnh nhân quen thuộc của lương y Ngô Tín Cường. Trước đây, mẹ chị cũng nhiều lần đến đây khám, chữa bệnh. “Lương y Ngô Tín Cường rất chu đáo, bắt mạch đúng bệnh, cắt thuốc về uống hiệu quả, bệnh mau khỏi nên tôi rất tín nhiệm”, chị Mai nhận xét. Kế bên, bà Trần Thị Ngọ, 54 tuổi, ở khu phố Thanh Bình, thị trấn Đất Đỏ, đưa con dâu đến khám, được lương y chuẩn đoán bị sạn thận, sau đó kê đơn bốc thuốc. Ông dặn dò bệnh nhân cẩn thận cách sắc thuốc và uống thuốc trước khi ra về.

Với hơn 50 năm làm nghề y, ông Cường luôn lấy y đức và chữ tín làm trọng. Mỗi bệnh nhân đến khám, bốc thuốc, ông đều thăm khám kỹ rồi mới bốc thuốc. Theo ông Cường, trước đây, khi các tiệm thuốc tây còn ít, bệnh nhân mắc chứng bệnh thời tiết cũng hay đến tiệm. Hiện nay, nhiều người không quen dùng thuốc tây vẫn thường ghé Thọ Nguyên Đường. Nhiều người bị viêm họng mãn tính uống thuốc tây lâu ngày không khỏi cũng tìm đến.

Lương y Ngô Tín Cường cũng tích cực tham gia các công tác xã hội của địa phương, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài. Năm 2016, ông được Hội khuyến học tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho hoạt động này.

Bài ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG NGUYÊN

;
.