Trần Văn Thượng - Người anh hùng của đất Long Phước - Kỳ 1: Tham gia kháng chiến

Thứ Tư, 04/09/2019, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ông Trần Văn Thượng (tự Trần Xuân Định, SN 1918, tại xã Long Phước nay thuộc TP. Bà Rịa) trong một gia đình giàu lòng yêu nước. Cha ông - cụ Trần Văn Nhạn, tuy làm cai trường tiền (quản đội làm đường), nhưng do căm ghét chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp nên năm 1944 đã bỏ việc, về quê sinh sống, còn mẹ ông - cụ Nguyễn Thị Đài làm nông.  

Tượng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thượng tại công viên cùng tên ở xã Long Phước, TP. Bà Rịa.
Tượng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thượng tại công viên cùng tên ở xã Long Phước, TP. Bà Rịa.

Hai cụ sinh được 4 người con, trong đó có 2 người theo cách mạng là Trần Văn Thượng và Trần Văn Nhượng (sau này, cả hai ông đều anh dũng hy sinh). Trần Văn Thượng là người sớm giác ngộ cách mạng. Chứng kiến cảnh đàn áp dân lành của bọn thực dân và bè lũ tay sai bán nước, lòng căm thù giặc trong ông lớn dần. Năm 1943, ông tình nguyện tham gia hoạt động phong trào ở địa phương, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Do hoạt động bí mật nên ông đã tham gia đội bóng của địa phương, mỗi buổi tập luyện là một buổi tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia cách mạng. Ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào kháng Nhật ở Long Phước bùng nổ, ông là một trong những thanh niên đầu tiên hăng hái tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và trở thành cán bộ tuyên truyền, vận động thanh niên cùng tham gia, vận động nhân dân bất hợp tác với quân Nhật. Không chỉ kêu gọi thanh niên vào tổ chức, ông Trần Văn Thượng còn trực tiếp thuyết phục tiểu thương chấm dứt việc đem hàng đổi lấy vải từ quân Nhật. Những đồng đội cùng thời thường nhắc đến câu nói đầy khí phách của ông: “Pháp xâm lược, Nhật cũng xâm lược, không thằng nào tốt. Nhật còn nguy hiểm hơn, Nhật đã vơ vét gạo làm 2 triệu nhân dân miền Bắc phải chết đói. Phải tập trung lại, đánh cho nó thua thì mới độc lập”.   

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lệnh tổng khởi nghĩa. Cùng với cả nước, khí thế cách mạng ở Long Phước sục sôi. Ngày 25/8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong của xã (trong đó có Trần Văn Thượng) trang bị ná, tên, tầm vông vót nhọn tập hợp hàng ngũ chỉnh tề, mang theo cờ đỏ sao vàng cùng nhân dân trong xã tiến về trung tâm Bà Rịa giành chính quyền. Bước chân rầm rập theo nhịp ca khúc “Lên đàng”, với tổ chức Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản, các tầng lớp nhân dân Bà Rịa đã giành chính quyền trong ngày 25/8.

Cách mạng thành công, các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp vàng cho cách mạng, hăng hái tham gia các phong trào như: xóa nạn mù chữ, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan. Ông Trần Văn Thượng và lực lượng Thanh niên Tiền phong tổ chức diễn thuyết, văn nghệ, cổ vũ các ấp tham gia xây dựng nếp sống mới, bảo vệ xóm, ấp.

Sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, năm 1946, Đội du kích Quang Trung - đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập, đánh dấu bước chuyển biến của phong trào kháng chiến tại tỉnh Bà Rịa, là lực lượng nòng cốt kháng chiến của tỉnh. Đội du kích Quang Trung trở thành niềm tự hào của quân và dân Long Phước, với những người con ưu tú, những chiến sĩ kiên trung, quả cảm. Ông Trần Văn Thượng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đội. Với sự nhiệt tình, khéo léo, sau này ông là một trong những chỉ huy của đội. Dưới sự che chở, đùm bọc của nhân dân trong những giai đoạn ác liệt, Đội du kích Quang Trung lớn mạnh nhanh chóng, thường xuyên tổ chức phục kích đánh địch, chống càn, phá hủy các công trình giao thông, tiêu diệt sinh lực địch, thu giữ vũ khí và bổ sung lực lượng trên các địa bàn: Long Phước, Long Điền, Đất Đỏ. Đội vừa chiến đấu, vừa bảo vệ và giúp đỡ dân nên được dân thương yêu, hết lòng giúp đỡ.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

(Xem tiếp kỳ sau)

 
;
.