Người anh hùng mang tên "Ông Già Chuồng Cọp" - kỳ cuối: Ngôi sao sáng của phong trào chống ly khai

Thứ Ba, 03/09/2019, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời kỳ chống Mỹ, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở Côn Đảo phải đương đầu với nhiều thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù nhằm buộc họ từ bỏ lý tưởng cộng sản, ly khai khỏi Đảng. Cao Văn Ngọc đã trở thành tấm gương sáng trong cuộc đấu tranh chống ly khai.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trước cổng Trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo).
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước cổng Trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo).

Theo TS sử học Nguyễn Đình Thống, chống ly khai Đảng Cộng sản là hình thức đấu tranh chống chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, là đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà, là bảo vệ đường lối giải phóng dân tộc của Đảng, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấu tranh chống ly khai là ngọn cờ, là linh hồn trong phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Những người tham gia phong trào này phải trải qua nhiều cực hình đày đọa. Kẻ thù đánh đập, truy bức họ vô hạn độ, cúp cơm, bớt nước, không cho ăn rau trong nhiều tháng…

Trong những năm tháng bị giam cầm, Cao Văn Ngọc cùng các tù chính trị tích cực tham gia phong trào chống ly khai đến cùng. Cao Văn Ngọc tâm niệm: Kẻ thù cưỡng bức ly khai Đảng, bôi nhọ Đảng, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh là xúc phạm điều thiêng liêng nhất trong lòng ông. Đấu tranh chống ly khai là bảo vệ lẽ sống, khát vọng của chính mình, là lẽ tự nhiên như buổi đầu ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của cách mạng.

Đầu năm 1961, tại Chuồng Cọp, Nhà tù Côn Đảo chỉ còn lại 18 người chống ly khai. Kẻ thù thâm độc muốn tiêu diệt hết những người cộng sản, tiêu diệt tận gốc tư tưởng cộng sản, biến người cách mạng thành người phản bội, làm tay sai cho chúng. Trong một lần nói về cái chết - lẽ sống, Cao Văn Ngọc trao đổi cùng anh em: “Mấy chú là cộng sản, mấy chú chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, được chết cho lý tưởng cộng sản thì còn vinh dự nào bằng. Như tôi chưa phải là cộng sản, chỉ mong được như thế!”. Điều ông nói như một chân lý, làm nhiều người tỉnh ngộ, sát cánh cùng nhau đấu tranh với kẻ thù.

Tháng 3/1961, tiết trời đã sang Xuân nhưng cái rét mùa Đông vẫn còn dai dẳng, tê cóng. Trong nhà tù Côn Đảo, “cuộc chiến” chống ly khai đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất. Một buổi sáng, Phạm Sáu, Trưởng Trung tâm Cải huấn I lượn một vòng qua dãy trại giam Chuồng Cọp, dừng chân ở chỗ nằm của Cao Văn Ngọc. Sau những ngày bỏ đói triền miên, đánh đập dã man từ sáng đến tối, rồi dội nước từ trên xuống, ông già Cao Văn Ngọc khi đó đã 64 tuổi trần truồng, cơ thể teo tóp, gầy đét nằm trên nền xi măng ướt sũng. Vậy mà, thấy Phạm Sáu vào, ông ngồi dậy, ngay lập tức lấy lại vẻ ung dung. TS Nguyễn Đình Thống cho biết, Phạm Sáu, Trưởng Trung tâm Cải huấn I, dụ dỗ Cao Văn Ngọc: “Ông đâu phải đảng viên mà chống ly khai? Ông duyên nợ gì với Hồ Chí Minh mà theo?”. Cao Văn Ngọc trả lời khẳng khái: “Cụ Hồ giải phóng cho dân khỏi ách nô lệ, tôi mắc nợ khoản đó, tôi phải trả suốt đời”.

Trong cuộc đấu tranh chống ly khai, người viết tờ cam kết phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chống ly khai cộng sản, buộc phải suy nghĩ cân nhắc khi đặt bút viết. Cao Văn Ngọc viết, giọng pha chút hài hước: “Côn Sơn ngày 25/3/1961. Tôi tên là Cao Văn Ngọc, 64 tuổi, vì già và dốt, học tập không được nên không ly khai. Và xin ở đây đến ngày chết thôi”. Đây là 1 trong 17 bản bút tích chống ly khai của tù chính trị đang được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo, là bằng chứng đầy thuyết phục về lập trường kiên quyết không ly khai cộng sản, không bao giờ phản bội lại sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc mà Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gầy dựng.

Trận khủng bố đẫm máu đêm 27/3/1961, địch đã đánh chết 5 người và một trong số đó có Cao Văn Ngọc. Tấm gương hy sinh của ông đã trở thành biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống ly khai.

37 năm sau ngày ông hy sinh, năm 1998, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tên của ông đã được đặt cho một con đường tại TP. Hồ Chí Minh, tại huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số trường tiểu học tại huyện Côn Đảo và huyện Long Điền.

Thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường TH Cao Văn Ngọc (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cho biết, 22 năm qua, từ khi được thành lập đến nay, nhà trường đặc biệt coi trọng công tác giáo dục truyền thống và nêu gương về ý chí kiên cường, bất khuất của Anh hùng Cao Văn Ngọc. Trong tuần lễ tựu trường đầu năm, nhà trường tổ chức ôn lại tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng của ông cho HS, cán bộ, GV, nhân viên của trường. Trong các tiết dạy Tiếng Việt và Đạo đức, GV sử dụng các tư liệu về Cao Văn Ngọc để lồng ghép vào môn học nhằm giáo dục các em tinh thần yêu nước. Vào ngày giỗ của ông (27/3 dương lịch) và Tết Nguyên đán, trường tổ chức cho cán bộ, GV, HS đến dâng hương, tưởng nhớ ông tại nhà người thân ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền. “Qua những hoạt động này, chúng tôi không chỉ giáo dục HS mà còn cả cán bộ, GV, nhân viên của trường phải biết rõ về tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Cao Văn Ngọc. Từ đó, giúp các em HS và cán bộ, công nhân viên nhà trường học tập và thực hiện những việc làm tốt, có ích cho đất nước”, thầy Danh nhấn mạnh.

VŨ DUYÊN

;
.