Võ Thị Sáu - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng - Kỳ 4: Và truyền thuyết cứ lan dần như sóng

Thứ Tư, 28/08/2019, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay, chị Võ Thị Sáu nằm đó, bên cạnh những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến. Ai đến Hàng Dương cũng viếng mộ chị, tưởng nhớ người thiếu nữ Anh hùng đã sống, chiến đấu và hy sinh như một huyền thoại.

Mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
Mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Đi giữa hai hàng lính/Vẫn ung dung mỉm cười/Ngắt một đóa hoa tươi/Chị cài lên mái tóc - đó là hình tượng chị Võ Thị Sáu ra pháp trường, mà chỉ cần 4 câu thơ, Phan Thị Thanh Nhàn đã làm rung động cả triệu con tim. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng kể, khi viết bài “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn”, bà đã nghe rất nhiều giai thoại về chị Võ Thị Sáu. “Đó đều là những câu chuyện đẹp mà con người ta chỉ cần nghĩ đến thôi, cũng thấy mình đẹp lên”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói.

Về cuộc đời của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu đúng là có rất nhiều giai thoại, như Phan Thị Thanh Nhàn đã viết: Từ buổi mai chị ngã/Đã có bao câu chuyện/Về chị Sáu linh thiêng/Những truyền thuyết không tên/Cứ lan dần như sóng. Nhưng trong mỗi giai thoại, đều chứa đựng những thực tế. Có những chi tiết đã được kiểm chứng từ những người sống cùng thời.

Bác sĩ Dương Thúc Huy, người chứng kiến cảnh chị Sáu ra pháp trường và khám nghiệm tử thi chị Võ Thị Sáu kể lại: “Tôi đã thấy một nữ Anh hùng ở tuổi đôi mươi. Chị đã hát trước họng súng, bằng trái tim gang thép”.

Để tưởng nhớ Võ Thị Sáu, sau khi địch thi hành án tử hình, tối 23/1/1952, kíp làm thợ hồ ở khám 2, Banh I đã xây mộ và đúc tấm bia bằng xi măng gắn trên mộ với dòng chữ: “Võ Thị Sáu, 17 tuổi, liệt sĩ tỉnh Bà Rịa, hy sinh ngày 23/1/1952”. Sáng hôm sau, nghe tin nhóm tù nhân xây mộ cho Võ Thị Sáu, Giám ngục Jarty dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ. Chúng muốn mọi thứ về người nữ Anh hùng phải sớm chìm vào quên lãng. Nhưng chúng đã nhầm. Sáng hôm sau, mộ chị Sáu lại cao hơn trước và một tấm bia khác lại được đặt lên trang trọng.

Giám ngục Jarty sai lính tra tấn, khủng bố kíp thợ hồ đã xây mộ Võ Thị Sáu. Chúng lôi từng người thợ hồ ra đánh đập dã man, nhưng không một ai hé nửa lời… Những ngày tiếp theo, tù nhân vẫn bí mật chăm sóc mộ Võ Thị Sáu. Và người trên đảo Côn Sơn truyền tai nhau, những tên lính hỗn xược phá bia mộ đều phải trả giá bằng cách này, hay cách khác. Từ đó, người ta lan truyền rằng cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá bia mộ…

Năm 1964, vợ chồng Thiếu tá Tăng Tư, Tỉnh trưởng Côn Sơn đã lập bàn thờ chị Võ Thị Sáu ở nhà riêng. Trải qua những biến động lịch sử, gia đình ông vẫn an toàn. Vợ chồng họ sau đó còn trùng tu, tôn tạo và gắn trên mộ chị Sáu một tấm bia bằng đá cẩm thạch, mua từ Chợ Lớn, Sài Gòn…

Trước đây, bên mộ chị Sáu có một cây dương liễu đã héo nhưng còn một cành cây hướng về phía Bắc vẫn sống tươi xanh lạ thường. Người ta tin rằng, đó là chị Sáu hướng về miền Bắc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên của Người đã được chị hô vang trước khi ngã xuống trước họng súng của kẻ thù.

Năm 1995, ngôi mộ chị Sáu được trùng tu tôn tạo khang trang và trồng thêm cây lê-ki-ma, được đem từ quê hương Đất Đỏ, nơi chị Sáu đã sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng.

Hiện nay, mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu nằm tại khu D Nghĩa trang Hàng Dương. Vào ngày rằm, mồng một, ngày giỗ chị Sáu (23/1), nhân dân trên đảo vẫn thường ra đây nhang khói như một lời tri ân, tưởng nhớ về người nữ Anh hùng, người con của miền Đất Đỏ, quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu.

PHƯƠNG NGUYÊN

;
.