Các dự án FDI lớn tăng tốc

Thứ Hai, 12/04/2021, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài có nguồn vốn lớn trên địa bàn tỉnh đang cấp tập triển khai xây dựng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham quan kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung tháng 3/2021. Ảnh: Thanh Nga
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham quan kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung tháng 3/2021. Ảnh: THANH NGA

TỶ LỆ GIẢI NGÂN CAO

Khởi công vào tháng 2/2019, cảng Gemalink (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) đã đón con tàu đầu tiên vào tháng 1/2021, dự kiến chính thức khai trương cảng vào tháng 5 và sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế ngay trong năm nay. Sau đó, cảng sẽ khai thác hết công suất 1,5 triệu TEU từ năm 2022. Được biết, giai đoạn 2 của cảng sẽ được triển khai ngay trong năm 2021.

Gemalink là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được các siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Theo Công ty CP Gemadept (GMD), dự án do 2 tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Công ty CP Gemadept (75%) và Tập đoàn CMA-CGM (25%) góp vốn. Tổng mức đầu tư cảng khoảng 520 triệu USD cho 2 giai đoạn (trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành 330 triệu USD). Cùng với các cảng khác tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Gemalink kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa BR-VT vào danh sách các cụm cảng lớn trên thế giới.

Theo thiết kế, cảng Gemalink có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay lên đến 200 ngàn DWT. Năng lực xếp dỡ giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. GMD sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ hạ tầng kết nối giao thông đến cụm cảng nước sâu, kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc, cầu Phước An...

Những ngày này, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ) cũng đang cấp tập hoàn thành các công đoạn cuối của dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene 2 (PP5) với công suất 300 ngàn tấn/năm và Nhà máy sản xuất Propane DH/OL1. Ông Choi Young Gyo, Giám đốc điều hành cho biết, Hyosung Vina triển khai các dự án: Nhà máy sản xuất Polypropylene, kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và bến cảng Hyosung Vina Chemicals. Tính đến cuối tháng 3/2021, đã giải ngân được hơn 906 triệu USD, đạt tỷ lệ gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện Nhà máy sản xuất Polypropylene 1 công suất 300 ngàn tấn/năm đã hoàn thành, vận hành từ tháng 2/2020, doanh thu hơn 270 triệu USD. Riêng kho ngầm chứa LPG đã hoàn thành 95% khối lượng công việc, dự kiến quý III/2021 sẽ đưa vào vận hành.

Tính đến cuối tháng 3, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đạt tiến độ hơn 75%. Trong ảnh: Một góc công trường thi công dự án. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Tính đến cuối tháng 3, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đạt tiến độ hơn 75%. Trong ảnh: Một góc công trường thi công dự án. Ảnh: MỸ LƯƠNG

TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Cuối tháng 3/2021, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và nhà thầu POSCO E&C đã hoàn thành xây dựng luồng hàng hải. Đây là luồng hàng hải chuyên dùng vào khu bến xây dựng thuộc dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn Petrochemicals (LSP) làm chủ đầu tư. Luồng hàng hải LSP là một trong những dấu mốc quan trọng của dự án, nhằm kết nối cầu cảng hydrocacbon với luồng hàng hải chính và tàu chở hàng trọng tải 100 ngàn DWT. Dự kiến cuối năm 2021, dự án sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng cầu cảng hydrocacbon. Chuyến tàu đầu tiên sẽ vận chuyển nguyên liệu sử dụng cho việc vận hành chạy thử dự kiến trước quý I/2022. Ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc LSP cho biết, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2018, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 75,5% tiến độ công việc. Để đưa dự án đi vào vận hành quý III/2022 như đã cam kết, LSP đang nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để thi công.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD do LSP làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin (nguyên liệu cơ sở để sản xuất hóa chất công nghiệp, các loại chất dẻo, nhựa và cao su tổng hợp) lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Khi đưa vào hoạt động, dự án giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên-nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn thực hiện của dự án FDI trong quý I/2021 ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình sản xuất - kinh doanh tích cực hơn sau ảnh hưởng của COVID-19, cộng thêm việc đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các nhà máy, do đó, vốn giải ngân đã tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, để tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng thủ tục cho nhà đầu tư, thúc đẩy đầu tư hạ tầng bằng vốn ngân sách. Tỉnh cũng chú trọng đến việc nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho nhà đầu tư.

NGÔ GIA

;
.