Ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, DN, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Người dân xã Hoà Hưng, huyện Xuyên Mộc làm thủ tục vay vốn của NHCSXH. |
MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
Để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Trong đó, tập trung tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống tốt hơn. Thực hiện nội dung này, các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, thay đổi nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng… Qua đó giúp người dân tìm đến các tổ chức tài chính ngân hàng thay vì tìm đến các tổ chức “tín dụng đen”.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank BR-VT cho biết: Agribank BR-VT đã ưu tiên dành nguồn vốn lớn để đáp ứng nhanh nhất cho người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ tại đơn vị. Đặc biệt, các thủ tục, thời gian vay cũng được Agribank rút ngắn. Từ khi tiếp cận khoản vay đến khi được giải ngân, khách hàng chỉ phải chờ đợi trong 3 ngày, thậm chí có những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được Agribank giải ngân ngay trong ngày.
Trong khi đó, tại NHCSXH cũng đã có hàng loạt giải pháp mở rộng khả năng đáp ứng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Ông Lê Văn Trương, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Trong những năm qua, đơn vị đã triển khai các giải pháp, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; qua đó góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHNSXH tỉnh dành cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách gần 966,3 tỷ đồng, với 25.292 lượt hộ vay vốn. Về hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức hội đoàn thể, thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể (nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên), tính đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ ủy thác cho vay gần đạt 2.675 tỷ đồng, với 70.570 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tăng hơn 347 tỷ đồng so với đầu năm 2020.
Theo đánh giá của NHNN, việc tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu thiết yếu đột xuất là những vấn đề căn cơ, không tạo đất cho “tín dụng đen” hoạt động hoành hành như thời gian qua. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng cho thấy, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ hai trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, hộ ông Thuyền (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) đầu tư vườn tiêu, cho thu hoạch ổn định. |
QUYẾT LIỆT ĐẨY LÙI “TÍN DỤNG ĐEN”
Trên thực tế, dù rất cần vay vốn, song nhiều người dân vẫn e ngại vì nghĩ rằng việc tiếp cận ngân hàng còn khó khăn bởi thủ tục rườm rà, mất thời gian. Do vậy, họ tìm đến “tín dụng đen” như một phao cứu sinh cấp bách. Trước thực trạng này, để tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng thời gian tới, ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Về phía NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, DN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay. NHNN Việt Nam cũng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người dân hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cũng là những giải pháp NHNN sẽ triển khai trong thời gian tới để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Tính đến cuối tháng 10/2020, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế ước đạt 101.500 tỷ đồng, tăng 13,84% so với đầu năm. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, ước đến cuối tháng 10/2020 dư nợ cho vay lĩnh vực NN-NT, nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen đạt 27.050 tỷ đồng, tăng 1,88% so với tháng trước, tăng 10,83% so với đầu năm, chiếm 26,65% tổng dư nợ toàn địa bàn.
(Nguồn: NHNN, chi nhánh tỉnh BR-VT)
|
Tại hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” diễn ra vào giữa tháng 10 do NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”, đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ. Nhất là có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen.
Bài, ảnh: PHAN HÀ