14/16 ngân hàng có nợ xấu gia tăng

Thứ Ba, 27/10/2020, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

14/16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020 đều ghi nhận nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm, trong đó có cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, ACB, VPBank.

Tại Vietcombank - 1 trong 4 ngân hàng có dư nợ lớn nhất thị trường, lợi nhuận ngân hàng giảm không chỉ trong bối cảnh hiệu quả cho vay thấp mà còn đến từ tăng chi phí dự phòng tín dụng. Trong đó, khoản chi này tiêu tốn của Vietcombank hơn 2.000 tỷ quý III và hơn 6.000 tỷ trong cả 9 tháng.

Đặc biệt, xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng giảm 3%, còn gần 1,2 triệu tỷ; cho vay khách hàng tăng 7%, đạt 783.757 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng tăng 36% so với đầu năm, đạt gần 7.885 tỷ. Đáng chú ý, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 4 lần, Nợ nhóm 4 - Nợ nghi ngờ tăng gần 3 lần, Nợ nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn giảm 26%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng qua đó tăng từ 0,79% đầu năm lên 1,01%.

Nợ xấu nội bảng của ACB tại ngày 30/9 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Sacombank khi lợi nhuận giảm do tăng chi phí dự phòng. Đến cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng 19% so với đầu năm, đạt 6.837 tỷ đồng, 80% là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 2,14% tổng dư nợ.

Tại VPBank, xu hướng tăng trích lập dự phòng tín dụng cũng diễn ra trong quý III và 9 tháng do nợ xấu tăng. Tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý III của ngân hàng là hơn 10.147 tỷ, cao hơn 15% so với đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15%, Nợ nhóm 4 - Nợ nghi ngờ tăng 36%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng tăng từ mức 3,42% đầu năm lên 3,65%.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, chỉ có 2/16 ngân hàng có nợ xấu giảm là SeABank và NCB. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với đầu năm; giúp tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) giảm từ 1,93% xuống còn 1,8%. Còn tại SeABank, nợ xấu cuối tháng 9 là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ so với đầu năm; đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống mức 2,23%.

HOÀNG LAN

 
;
.