Khan hiếm nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề

Thứ Hai, 27/07/2020, 21:42 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là thực trạng mà các DN phản ánh tại hội thảo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho các DN KCN tỉnh BR-VT” do Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT (BCTECH) phối hợp với BQL các KCN tỉnh tổ chức mới đây. Nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật qua đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp mà không có nguồn để tuyển.

Thời gian tới, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT đào tạo theo đơn đặt hàng của DN.  Trong ảnh: Sinh viên nhà trường trong giờ thực hành.
Thời gian tới, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. Trong ảnh: Sinh viên nhà trường trong giờ thực hành.

Do đó, việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường, BQL các KCN và DN để có chiến lược đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu về thị trường lao động hiện nay.

KHÓ KHĂN TRONG TUYỂN DỤNG

Thông tin tại hội thảo, ông Võ Minh Tùng, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, hiện nay chất lượng lao động trong các KCN tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa theo kịp với nhu cầu của DN. Việc tuyển dụng lao động có trình độ từ sơ cấp đến trung cấp cho các dự án trong các KCN đã dễ dàng hơn với nguồn cung từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tổng số lao động trong các KCN đã qua đào tạo mới chỉ đạt 67,39%. Tỷ lệ lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên chỉ chiếm 20,46%, lao động bậc thợ chiếm khoảng 38%. Nguồn cung lao động tay nghề kỹ thuật cao vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt ở một số ngành nghề như: hóa vô cơ, đóng tàu, thiết kế, logistic… 

Phân tích nguyên nhân, ông Võ Minh Tùng cho rằng, do có sự chênh lệch về công nghệ tại DN và các kiến thức đã học ở trường nên các DN thường chỉ chú trọng đến kiến thức căn bản, tố chất, ý thức làm việc của người lao động (NLĐ). Hầu hết các DN phải đào tạo lại cho NLĐ để phù hợp với thực tế, công nghệ của DN cũng như đào tạo thêm các kỹ năng làm việc, ý thức kỷ luật và ngoại ngữ cho NLĐ. Do thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao nên DN phải tuyển dụng từ các địa phương khác và đặt hàng đào tạo từ các trường ĐH. Điều này làm tăng chi phí sử dụng lao động của DN. Mặt khác, tình trạng chuyển dịch lao động giữa các DN trong KCN diễn ra phổ biến, nhất là ở khu vực DN sử dụng nhiều lao động thuộc các lĩnh vực về sản xuất như: giày da, may mặc, bao bì, chế biến thực phẩm. Bởi lao động ở những lĩnh vực này chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thu nhập thấp nên NLĐ có xu hướng tìm kiếm công việc có mức lương cao hơn, dẫn đến tình trạng nhảy việc sang đơn vị khác sau khi được DN đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Austal Việt Nam (KCN Đông Xuyên, TP. VũngTàu) cho rằng, trong 2 năm qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn về tuyển dụng lao động, phải chịu cạnh tranh với các DN khác. Thời gian này, công ty tuyển được 600 lao động, nhưng làm việc được một thời gian có 150 người xin nghỉ việc. Nhằm bổ sung thêm nguồn nhân lực, công ty tuyển dụng những học viên mới ra trường, lao động phổ thông chưa có kỹ năng làm việc và chấp nhận bỏ kinh phí, thời gian để đào tạo lại cho đội ngũ lao động này trong thời gian 1 năm, sau đó họ mới được tham gia vào quá trình sản xuất của DN. Bên cạnh đó, công ty đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh như: Trường CĐ Dầu khí, Trường CĐ Quốc tế Vabis Hồng Lam, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama…cho thấy, nhiều ngành nghề đang cần nguồn lao động lớn thì số lượng học viên được đào tạo có chiều hướng giảm, hoặc chưa đào tạo. “Công ty chúng tôi đang có nhu cầu tuyển nhiều lao động có tay nghề về các ngành như: thợ máy tàu, thợ điện tàu, trang trí nội thất, lắp đặt hệ thống thủy lực… nhưng qua tìm hiểu ở các trường nghề chưa mở đào tạo các ngành này”, bà Hồng nói thêm.

Nhà trường và DN hợp tác trong đào tạo sẽ giúp đôi bên cùng có lợi. Trong ảnh: Các DN tham quan cơ sở vật chất của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.
Nhà trường và DN hợp tác trong đào tạo sẽ giúp đôi bên cùng có lợi. Trong ảnh: Các DN tham quan cơ sở vật chất của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.

CẦN PHỐI HỢP TỪ 3 PHÍA

Từ những khó khăn vừa nêu, bà Nguyễn Thị Hồng mong muốn, BCTECH có thể tìm hiểu thị trường lao động ở lĩnh vực đóng tàu và cơ khí để xem xét, đào tạo thêm học viên ở những ngành này. Mặt khác, trong quá trình đào tạo chuyên môn, nhà trường cần chú trọng đào tạo thêm cho các học viên những kỹ năng mềm khác như: ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm cũng như tuân thủ nội quy làm việc tại DN. Bà Hồng nói: “Chúng tôi hy vọng trong tương lai BCTECH sẽ có chiến lược đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế nguồn nhân lực của các DN. DN cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc tiếp nhận học viên đến tham quan, thực tập; đồng thời đến trường trao đổi với học viên giúp các em có thêm kiến thức, định hướng về nghề nghiệp sau khi ra trường”.

Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 15 KCN, với tổng diện tích hơn 8.501ha. Trong đó có 13 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 63,5%. Với 274/420 dự án còn hiệu lực đang hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 61.200 lao động. Bình quân mỗi năm các KCN tạo ra khoảng 2.300-2.500 việc làm mới.

Còn ông Nguyễn Thanh Quyết, Công ty TNHH Kỹ thuật Cơ khí hàng hải Vina Offshore (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) đề xuất, giữa BCTECH và BQL các KCN cần nghiên cứu, thiết lập kênh thông tin tuyển dụng. Trong đó, nhà trường sẽ thông tin về số lượng học viên ra trường, thuộc những ngành nghề nào để BQL các KCN cập nhật. DN chấp nhận bỏ ra chi phí, truy cập vào kênh thông tin này để tuyển dụng những lao động phù hợp với các vị trí mà đơn vị đang cần. Hơn nữa, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần làm tốt các chức năng, nhiệm vụ chia sẻ thông tin về NLĐ đang tìm việc, gồm: Lý lịch cá nhân, ngành nghề đào tạo, kinh nghiệm làm việc, mức lương trung bình của 6 tháng… “Công tác này giúp các DN nắm được các thông tin cơ bản về NLĐ. DN không mất nhiều thời gian đàm phán, thỏa thuận các điều kiện ràng buộc giữa DN và NLĐ, đồng thời, sàng lọc được đối tượng cần tuyển dụng”, ông Quyết nói thêm.

Thông tin về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng BCTECH cho biết, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh và đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Nhà trường cũng phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm, an toàn lao động; tập trung phát triển các ngành nghề thế mạnh và trọng điểm của tỉnh. “BCTECH sẽ tăng cường hợp tác với các DN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nội dung đào tạo theo đơn đặt hàng của DN”, bà Như thông tin thêm.

Từ thực tiễn tại các KCN, ông Võ Minh Tùng nêu ý kiến, BCTECH cần tăng cường các hoạt động như: Tổ chức hội chợ việc làm, khảo sát trực tiếp tại DN… nhằm tiếp cận và tạo mối liên hệ chặt chẽ, bền vững giữa nhà trường và DN ngay từ những ngày đầu đơn vị mới thành lập. Từ đó, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho DN; chủ động học tập, nghiên cứu các quy trình sản xuất của DN để đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp; mời đội ngũ chuyên gia của các DN đến thỉnh giảng trong quá trình đào tạo và gửi sinh viên đi thực tập tại DN. “Sự hợp tác này cả nhà trường và DN đều có lợi. Sinh viên ra trường có việc làm ngay, không mất nhiều thời gian làm quen với công việc. DN tuyển được lao động có trình độ tay nghề cao, phù hợp với điều kiện và môi trường đơn vị”, ông Võ Minh Tùng nói thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.