AN TOÀN HỒ ĐẬP MÙA MƯA BÃO: Không thể lơ là!

Thứ Sáu, 24/07/2020, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Toàn tỉnh hiện có 53 công trình thủy lợi. Một số hồ đập do thời gian sử dụng quá lâu nên đã xuống cấp. Do đó, tỉnh đang triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Kỹ sư Trạm quản lý khai thác các công trình thủy lợi đầu mối hồ Sông Ray theo dõi vận hành tràn xả lũ qua hệ thống điều khiển từ xa.
Kỹ sư Trạm quản lý khai thác các công trình thủy lợi đầu mối hồ Sông Ray theo dõi vận hành tràn xả lũ qua hệ thống điều khiển từ xa.

MỘT SỐ CÔNG TRÌNH ĐÃ XUỐNG CẤP

Theo Sở NN-PTNT, trước khi mùa mưa bão đến, Sở đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra và rà soát cho thấy, đa số các công trình thủy lợi được xây đã lâu, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số hạng mục hư hỏng. Hệ thống đê bao, đập của nhiều hồ chứa nước đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Cụ thể, có 7 hồ gồm (Xuyên Mộc, Suối Các, Kim Long, Sông Hỏa, Suối Đôi I, suối Sao, Gia Hoét II) do Trung tâm Quản lý - khai thác các công trình thủy lợp quản lý đã được kiểm định an toàn; có 3 hồ chứa gồm hồ Suối Sao, hồ Gia Hoét II, hồ Suối Đôi 2 không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn; 3 đập bị thấm nước, chưa được gia cố…

Đối với các hồ chứa nước do UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khác quản lý chưa được kiểm định an toàn, do đó chưa có kết quả đánh giá khả năng phòng lũ của các hồ chứa nước. Riêng hồ Bút Thiền (huyện Long Điền) tràn xả lũ đã bị lấp; hồ Suối Đá (TX. Phú Mỹ) phần hạ lưu tràn bị chiếm xây dựng một số công trình dân dụng nên không bảo đảm thoát lũ. Tại khu vực hồ Suối Các (huyện Xuyên Mộc), lớp đá gia cố mái thượng lưu đập bị bong tróc, tầng đệm bị rửa trôi, hư hỏng làm mất chức năng bảo vệ, bề mặt mái hạ lưu bị xói lở do mưa. Còn tại đê Phước Hòa (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), toàn bộ mái thượng, hạ lưu của đê bị sạt lở. Các cống số 8, 9, 10, 11, BS1, BS2 đất đắp mang cống bị xói lở nghiêm trọng, sàn công tác bê tông bị bong tróc, tường cánh thượng, hạ lưu bị sụt lún, hư hỏng.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng từ những năm 1982-1983, đến nay chưa được đầu tư sửa chữa lớn. Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng Phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: “Trước thực trạng hồ, đập thủy lợi xuống cấp, thời gian gần đây UBND tỉnh đã quyết định cho đầu tư, nâng cấp, tu bổ nhiều công trình thủy lợi. Cụ thể trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã bố trí hơn 3.000 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các hồ, đập chứa nước của tỉnh. Ngoài ra, các kênh tiêu nước cũng đầu tư nâng cấp, tránh sự cố vỡ kênh khi tiến hành xả lũ”.

Cán bộ Trung tâm Khai thác, quản lý công trình thủy lợi TP.Bà Rịa kiểm tra hoạt động của đập Sông Dinh.
Cán bộ Trung tâm Khai thác, quản lý công trình thủy lợi TP.Bà Rịa kiểm tra hoạt động của đập Sông Dinh.

TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN

Nhằm bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi; đẩy mạnh công tác dự báo, chủ động các kịch bản và phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra... Đến nay, hồ Gia Hoét I đã được xây mới tràn xả lũ; sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước Suối Sao, Kim Long, Suối Đôi 1, Gia Hoét 2 (huyện Châu Đức); cải tạo nâng cấp tràn xả lũ và kênh dẫn hồ chứa nước Suối Các, Xuyên Mộc, đập dâng Suối Bang (huyện Xuyên Mộc); nâng cấp đê Chu Hải (TX Phú Mỹ).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bảo vệ các hồ chứa nước có dung tích trên 5 triệu m3 nước (gồm các hồ: Đá Đen, Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ồ); phương án bảo vệ 4 đê (gồm đê Chu Hải, đê Phước Hòa, kè Phước Tỉnh và đê bao Lộc An); phương án phòng, chống lụt, bão của 12 hồ chứa nước và 1 đập dâng (gồm các hồ: Đá Đen, Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ồ, Xuyên Mộc, Suối Các, Châu Pha, Kim Long, Gia Hoét, Núi Nhan, Suối Môn và đập dâng Cầu Mới). UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy trình vận hành 13 hồ chứa nước và 1 cống (gồm các hồ: Sông Ray, Đá Đen, Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ồ, Châu Pha, Suối Các, Xuyên Mộc, Núi Nhan, Gia Hoét I, Kim Long, Suối Môn và cống số 6 đê Chu Hải)… Gần đây nhất, các công trình sửa chữa, nâng cấp mái đập, lát nhựa mặt đập của các hồ Đá Bàng (huyện Châu Đức) và hồ Xuyên Mộc với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng đã hoàn thành, bảo đảm an toàn hơn trong mùa mưa bão. Còn kênh Bà Đáp, hệ thống tiêu nước lớn nhất toàn tỉnh khi dẫn nước qua lưu vực các địa phương như TP. Bà Rịa, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ cũng đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp với kinh phí khoảng 44,9 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 29 hồ chứa nước lớn nhỏ, 9 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn, 1 đê ngăn lũ, 4 kè biển, 2 trạm bơm, 2 công trình khu neo đậu trú bão. Tổng dung tích các hồ chứa theo thiết kế là 316,28 triệu m3. Trong đó, Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý 17 hồ chứa nước, 9 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn, 1 đê ngăn lũ và 1 kè biển; UBND các huyện, thành phố quản lý 11 hồ chứa nước, 3 kè biển; BQL rừng phòng hộ quản lý 1 hồ chứa nước. Các công trình thủy lợi được đưa vào khai thác góp phần quan trọng cho việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương, phục vụ tưới cho khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Huỳnh Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nhằm chủ động ứng phó với lụt, bão, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để thông báo kịp thời diễn biến của thời tiết cho người dân biết. Đồng thời, cử cán bộ trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về các hồ, để có phương án linh hoạt, hợp lý trong quá trình tích nước, xả lũ và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, nhằm bảo vệ công trình đầu mối, cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình dân sinh ở vùng hạ lưu. Ngoài việc nâng cấp các công trình thủy lợi, các cơ quan chức năng tỉnh cũng đang tập trung xây dựng quy trình chuẩn cho từng hồ chứa khi xả lũ hay có sự cố bất thường. Đồng thời, thông báo cho chính quyền các địa phương về việc phổ biến đến người dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.