Ưu tiên nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng

Thứ Sáu, 22/05/2020, 21:48 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 22/5, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng (logistics)”. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự.

Xếp dỡ hàng container tại cảng CMIT.
Xếp dỡ hàng container tại cảng CMIT.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, mục tiêu phát triển cảng biển và dịch vụ logistics đạt được nhiều kết quả tích cực, sản lượng hàng hóa, doanh thu dịch vụ cảng đều tăng trưởng vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc phát triển cảng biển và dịch vụ logistics vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, trong công tác lập quy hoạch cảng biển trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) nói riêng chưa tốt, dẫn đến các dự án bị chia nhỏ, chiều dài cầu cảng ngắn nên bị hạn chế trong việc tiếp nhận các tàu trọng tải lớn ra vào cảng. Số lượng dự án chậm triển khai còn nhiều. Tỷ lệ hàng hóa thông quan trực tiếp tại tỉnh còn thấp…

Qua kết quả giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Tỉnh ủy và đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án đường giao thông, phục vụ hoạt động phát triển cảng biển và dịch vụ logistics theo tiến độ dự án đề ra; triển khai các giải pháp thu hút tàu làm hàng tại CM-TV; sớm nạo vét tuyến luồng hàng hải đến độ sâu -15,5m và nâng cấp toàn bộ tuyến luồng theo quy hoạch, bảo đảm độ sâu an toàn cho các tàu lớn ra vào cảng; bố trí nguồn vốn đầu tư mua sắm thiết bị soi chiếu hàng hóa để hoàn thành và đưa vào vận hành Trung tâm Kiểm tra hàng hóa tập trung trong năm 2020...

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là làm thế nào để tăng hàng về cảng và kéo giảm chi phí logistics. Do đó, báo cáo giám sát cần đánh giá đã đạt được mục tiêu này hay chưa, hiệu quả việc sử dụng nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối cảng, logistics. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhìn nhận, hạn chế của tỉnh là thời gian qua quá trông chờ nguồn lực của Chính phủ, nên nguồn lực rất nhỏ giọt và không khả thi. Do đó, UBND tỉnh phải tiếp cận các vấn đề mà HĐND tỉnh đặt ra để có các giải pháp phù hợp, trong đó phải dựa vào nguồn lực địa phương để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối trọng điểm như: đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, dự án đường sắt, tỉnh sẽ dùng nguồn lực từ đất đai của tỉnh để thực hiện.

Tin, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.