Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 22/05/2020, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT là một trong những địa phương có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gien phong phú, đặc hữu. Tuy nhiên, BR-VT đang đối diện với nguy cơ suy thoái ĐDSH và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ. 

Bảo tồn đa dạng sinh học, giúp con người có cuộc sống tốt hơn.  Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) thả rùa con về với biển.
Bảo tồn đa dạng sinh học, giúp con người có cuộc sống tốt hơn. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) thả rùa con về với biển.

NGUY CƠ SUY GIẢM ĐA DẠNG SINH HỌC

BR-VT được đánh giá là một trong những địa phương đa dạng các hệ sinh thái. Sự đa dạng đó được thể hiện rõ nét nhất ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo) và hệ thống rừng ngập mặn. 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (BTTN BC-PB) hiện là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn ở Việt Nam. Nơi đây có tiềm năng du lịch với nhiều dạng địa hình, gồm: đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng với diện tích tự nhiên hơn 10.537ha, có chức năng phòng hộ môi trường vùng ven biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phục vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, giáo dục bảo tồn, khu vui chơi giải trí và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái… Còn Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước với rất nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, BR-VT còn có hơn 1.000ha diện tích rừng ngập mặn, nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và BR-VT). 

Tuy nhiên, BR-VT đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học như: chặt phá rừng ngập mặn; xả thải gây ô nhiễm môi trường; săn bắt động vật quý hiếm; đánh bắt hải sản tận diệt… Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo cho biết, Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác thủy sản, các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông,... từ cửa sông đẩy ra. 

Du khách khám phá Bãi Đầm Trầu - Côn Đảo. Ảnh: THÁI THUỶ
Du khách khám phá Bãi Đầm Trầu - Côn Đảo. Ảnh: THÁI THUỶ

Hàng năm, lượng rác thải trôi nổi trên biển dạt vào các đảo nhỏ thuộc VQG Côn Đảo với số lượng lớn, nhất là vào mùa gió Đông Bắc đã gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường tại các đảo nhỏ, gây khó khăn trong công tác thu gom và xử lý rác thải. Hiện nay, số lượng các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường biển có xu hướng gia tăng so với các năm trước.

Trong khi đó, Khu BTTN BC-PB những năm gần đây diện tích rừng cũng đang bị thu hẹp đáng kể về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng người dân lén lút vào chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm rừng đang diễn ra rất phức tạp. “Môi trường sống của các loài động thực vật đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng, số lượng cá thể suy giảm, nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, đa dạng sinh học tại Khu BTTN BC-PB đối mặt với một thách thức lớn về vấn đề bảo tồn”, ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Khu BTTN BC-PB thông tin. 

Khách du lịch tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).
Khách du lịch tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).

BẢO TỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Để chủ động ứng phó với sự suy thoái ÐDSH, thời gian qua Ban Quản lý VQG Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang hoàn thiện dự án lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar VQG Côn Đảo; triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo giai đoạn 2017-2020 trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tuyên truyền, triển lãm về bảo vệ động vật hoang dã, rùa biển và tập huấn tình nguyện viên bảo vệ rùa biển; phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam tổ chức cho các tình nguyện viên tham gia công tác bảo tồn rùa biển và vệ sinh bãi biển tại các đảo. Ngoài ra, các chuyên viên của Vườn còn thực hiện quan trắc môi trường nước biển định kỳ 2 lần/tháng, gồm các chỉ tiêu: Nhiệt độ, độ pH và độ mặn để theo dõi diễn biến các hệ sinh thái biển; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đảo nhỏ… 

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3792/QĐ-UBND về việc thực hiện Kế hoạch hành động về ĐDSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các ngành, đơn vị có liên quan sẽ điều tra, đánh giá một cách đầy đủ về hệ sinh thái, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên ĐDSH. 3 mục tiêu, nhiệm vụ lớn mà BR-VT phải thực hiện, đó là: Bảo vệ, bảo tồn và phát triển ĐDSH trên cạn; bảo tồn và phát triển ĐDSH các vùng đất ngập nước và biển; bảo tồn và phát triển ĐDSH nông nghiệp, sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật. Theo đó, thời gian tới BR-VT sẽ phải phục hồi 70% diện tích rừng bị suy thoái; bảo tồn và phát triển các loại động thực vật tại Khu BTTN BC-PB và VQG Côn Đảo. 

Theo Quyết định số 3792/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động về ĐDSH trên địa bàn tỉnh BR-VT tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh, BR-VT sẽ tập trung bảo tồn và duy trì ĐDSH trên cạn, thủy vực nước ngọt, rừng ngập mặn và cửa sông, ven biển; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp; phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; đồng thời, khôi phục, bảo tồn và sử dụng ĐDSH đô thị; phát huy vai trò và sự đóng góp của cộng đồng vào bảo vệ ĐDSH; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH và an toàn sinh học; quản lý ĐDSH nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2030, Sở TN-MT cũng sẽ xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, nơi bị áp lực phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động sản xuất tự phát làm thu hẹp diện tích đất ngập nước, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với ĐDSH; xây dựng, triển khai và phổ biến áp dụng các mô hình sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

 

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ trên cần nâng cao năng lực quản lý; nâng cao kỹ thuật - công nghệ và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của ĐDSH. Ông Linh cho biết thêm, giai đoạn 2020-2030, Sở TN-MT sẽ xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với ĐDSH; xây dựng, triển khai và phổ biến áp dụng các mô hình sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Sở TN-MT cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái biển, ven biển, nông nghiệp và đô thị…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.