Định hình những vùng nông nghiệp công nghệ cao

Chủ Nhật, 06/10/2019, 19:52 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 2 năm thực hiện đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (đề án 04), các nhiệm vụ cơ bản được thực hiện đúng tiến độ. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại vùng nông thôn.

Người lao động của Công ty TNHH DV-XD Âu Cơ cắt tỉa cành cho cây dưa lưới được trồng theo công nghệ cao của Israel  tại phường Long Tâm (TP. Bà Rịa).
Người lao động của Công ty TNHH DV-XD Âu Cơ cắt tỉa cành cho cây dưa lưới được trồng theo công nghệ cao của Israel tại phường Long Tâm (TP. Bà Rịa).

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT ĐẠT 3.800 TỶ ĐỒNG

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, 2 năm thực hiện đề án 04 đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, các vùng sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành, phát triển như: Vùng sản xuất rau công nghệ cao tại TX. Phú Mỹ; Vùng NNUDCNC cây ăn quả đặc sản tại huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc; Vùng NNUDCNC sản xuất hoa, cây cảnh tại TP. Bà Rịa, huyện Đất Đỏ… Bên cạnh đó, đã có những vùng NNUDCNC được DN đầu tư xây dựng như dự án nuôi tôm công nghệ cao tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ do Tập đoàn Minh Phú và Công ty TNHH Ngọc Tùng đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 300ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 tổ chức, cá nhân đã và đang đầu tư các mô hình NNUDCNC.

Người lao động đóng gói sản phẩm tại cơ sở nấm linh chi Ông Tiên thuộc  Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao U.S Farm (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức).
Người lao động đóng gói sản phẩm tại cơ sở nấm linh chi Ông Tiên thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao U.S Farm (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức).

Lĩnh vực được nhiều DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhất là chăn nuôi. Hiện nay, đã có 131 trang trại, chiếm 59,3% tổng đàn heo và 27,5% tổng đàn gia cầm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đem lại hiệu quả. Công ty TNHH Trang Linh (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) là một trong những DN thành công với công nghệ nuôi heo trên đệm lót sinh học trong phòng lạnh. Hiện nay, trang trại nuôi heo của công ty có diện tích gần 60ha, trong đó có 20ha diện tích chuồng trại với tổng đàn gần 14 ngàn con. Ông Vũ Ngọc Bích, Giám đốc công ty cho biết: “Với việc nuôi heo trên đệm lót sinh học trong phòng lạnh, nhiệt độ trong trại luôn được giữ ở mức 27-28oC nên phù hợp để heo phát triển tốt. Dù số tiền đầu tư ban đầu để nuôi heo công nghệ cao khá lớn, tuy nhiên, khi đã ổn định, chi phí chăn nuôi giảm đến 30% so với thông thường. Nguyên nhân là heo nuôi trong chuồng lạnh bằng đệm lót sinh học không cần tắm rửa nên tiết kiệm chi phí nước, nhân công. Tỷ lệ heo mắc bệnh gần như không có, do đó chúng tôi vừa tiết kiệm được tiền vắc xin, vừa tăng chất lượng thịt heo”.

Cùng với chăn nuôi, đã có 42 DN đầu tư mô hình trồng trọt ứng dụng các công nghệ như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh… trên diện tích gần 2.900ha. Việc áp dụng công nghệ đã tăng gấp nhiều lần năng suất/đơn vị diện tích và chất lượng nông sản; đồng thời, giúp kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ngành nuôi trồng thủy sản, đã có 17 cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ cao, với tổng quy mô hơn 390ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn/năm và sản xuất được 4,8 tỷ con giống/năm. Đến nay, giá trị sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh đã đạt 3.800 tỷ đồng/năm.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ

Trong 2 năm qua, hưởng ứng chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều DN, cá nhân mong muốn đầu tư vào NNUDCNC. Đến nay, đã có 65 DN với 66 dự án đăng ký xin chủ trương đầu tư các dự án NNUDCNC trên tổng diện tích đất 3.160ha. Trong đó, có 34 dự án đăng ký tại khu quy hoạch NNUDCNC của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh, 18 dự án đăng ký tại khu quy hoạch của Công ty CP Cao su Bà Rịa và 14 dự án mong muốn thực hiện tại các vùng NNUDCNC của các huyện. Hiện nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương họp, góp ý cho các dự án trên. “Một trong những vấn đề khó khăn nhất, khiến các dự án NNUDCNC trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện là vấn đề xây dựng quỹ đất “sạch” cũng đang được gấp rút giải quyết. Ngày 29/8 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi 326,6ha đất (trong đó, 2,7ha do UBND xã Xuân Sơn quản lý, 323,9ha còn lại do Công ty CP Cao su Bà Rịa quản lý) và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư sản xuất NNUDCNC tại xã Xuân Sơn. Hai vị trí đất còn lại cùng thuộc quản lý của Công ty CP Cao su Bà Rịa trên diện tích 710ha sẽ tiếp tục thu hồi sau khi triển khai thí điểm tại vị trí đất thuộc xã Xuân Sơn. Đối với diện tích đất thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê duyệt”, ông Trần Văn Cường thông tin thêm.

Công nhân thu hoạch rau tại trang trại của Công ty công nghệ cao Vương Huy (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ảnh: PHÚ XUÂN
Công nhân thu hoạch rau tại trang trại của Công ty công nghệ cao Vương Huy (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ảnh: PHÚ XUÂN

Dù đã có những chuyển biến tích cực, việc phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, cơ chế, chính sách còn bất cập, nhất là về đất đai, nên việc thu hút các nhà đầu tư còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện sản xuất của các DN vẫn còn chưa thuận lợi. Nguồn nhân lực cho NNUDCNC còn thiếu và chưa đạt yêu cầu. Việc tìm kiếm thị trường, các kênh phân phối sản phẩm vẫn còn khó khăn nên gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ như: thủy lợi, giao thông nội đồng, điện và nhà máy sơ chế biến, bảo quản sản phẩm…

Năm 2020, phấn đấu tỷ trọng NNUDCNC chiếm 30% 

Trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ: Trình Bộ NN-PTNT thẩm định trình Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và quy chế hoạt động khu NNUDCNC của tỉnh; đồng thời, hoàn thành Đề án phân khu chức năng vùng sản xuất NNUDCNC trên địa bàn huyện Châu Đức và đưa vào hoạt động sản xuất thí điểm tại xã Xuân Sơn. Cùng với đó, Khu sản xuất NNUDCNC kết hợp du lịch dưới tán rừng trên diện tích 200-220ha thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh. Tỉnh cũng sẽ đưa vào hoạt động 7 vùng và công nhận 2 vùng NNUDCNC, bên cạnh đó, thu hút các DN, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư sản xuất NNUDCNC với nông nghiệp sạch làm nòng cốt hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nông dân. Mục tiêu của tỉnh là trong năm 2020, sản phẩm tỷ trọng của sản phẩm NNUDCNC chiếm 30% ngành nông nghiệp của BR-VT; tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng 1,5 lần so với hiện nay; tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân lên 4,3%...

Theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh, để gỡ khó cho NNUDCNC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, chính sách riêng, phù hợp với quy định và đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho DN, nông dân nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư NNUDCNC. Trong đó, chú trọng đến các biện pháp hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thị trường, xây dựng, phát triển các chuỗi, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp… tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư NNUDCNC.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

;
.