Dân vận là vận động tất cả các lực lượng, nhằm “Thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Và sinh thời, Bác Hồ đã giao trách nhiệm đó cho cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền nhà nước giữ vai trò quan trọng.
Dân vận - nhiệm vụ tất yếu của nhà nước
Năm 1949, trong tác phẩm “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”.
Dù Người không đề cập ai phụ trách chính, nhưng không phải vô tình hay ngẫu nhiên, Người đặt cán bộ chính quyền lên đầu tiên. Từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Nhà nước phải đảm nhận và làm tốt để trở thành người lính xung kích, đi đầu trong công tác dân vận. Hiệu quả dân vận chính quyền sẽ tác động lớn, trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ dân vận của cả hệ thống chính trị.
Nhà nước ta do Người sáng lập là nhà nước dân chủ nhân dân. Mục đích cao nhất là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Đã là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải làm công tác vận động để nhân dân ủng hộ, xây dựng chính quyền. Mặt khác, Người căn dặn: “Không có dân thì Chính phủ không có lực lượng”. “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”. Nhà nước giữ vai trò quan trọng, thông qua đội ngũ cán bộ, công chức tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục, tập hợp, đoàn kết toàn dân. Dân vận chính quyền không tốt không chỉ mất dân, không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dân, mà còn bị kẻ thù kích động, lôi kéo, chia rẽ, “Rời xa dân chúng sẽ cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”.
Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước, do đó Nhà nước là bộ máy duy nhất có chức năng cụ thể hóa đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch và vận động, tổ chức nhân dân thực hiện. Chính quyền các cấp hàng ngày trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, giải quyết công việc cho dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nên suy cho cùng công tác dân vận phải bắt đầu từ nhà nước, mà thực hành trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức.
Thực hiện quy trình 4 bước để nâng cao hiệu quả dân vận chính quyền
Hiệu quả dân vận chính quyền, lệ thuộc trước tiên vào việc phải làm cho tư tưởng, phong cách, phương pháp dân vận Hồ Chí Minh thấm sâu vào bộ máy nhà nước, đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Từ đó nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện quy trình khoa học dân vận 4 bước mà Người chỉ ra cách đây hơn 70 năm một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Một là: Cán bộ, công chức phải về với dân, giải thích cặn kẽ cho dân hiểu, dân biết. Người nói: “Cách mạng rất cần nhiều người, nhiều của, nhiều tiền… Ba thứ ấy dân ta đều sẵn có”. Nhưng dân chỉ “sẵn lòng đưa người, đưa của, đưa tiền ủng hộ Đoàn thể và Chính phủ một khi họ hiểu rõ chính sách ấy là rất đúng”. Do vậy, Nhà nước có bổn phận thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”; việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; “đem tài dân, của dân, lực dân để phục vụ dân”, nghiêm cấm dùng mệnh lệnh, độc đoán,chuyên quyền, ức hiếp nhân dân.
Hai là: Việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và học hỏi kinh nghiệm của dân trước khi quyết định; cùng với dân thảo luận đặt kế hoạch, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện. Nước ta “Dân là chủ và dân làm chủ”, hơn nữa nhân dân rất thông minh “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân, dân sẽ có ý kiến hay”. Không biết dựa vào dân, không cầu thị “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng…kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”, thế là “dân vận kém”, ắt dẫn đến “việc gì cũng kém”.
Ba là: Trong quá trình thực hiện chính quyền phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Dân vận chính quyền thành công hay không lệ thuộc vào đội ngũ cán bộ công chức có “yêu dân, kính dân, thương dân, hiểu dân, tận tụy với dân” hay không. Vì vậy, những “công bộc” của dân hãy về cùng làm, cùng sinh hoạt với dân để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; phát huy tối đa 6 giác quan: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn cho dân trong quá trình thực hiện các quyết định của Nhà nước.
Và bốn là, sau mỗi nhiệm vụ nhất thiết phải cùng với dân kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Đây là bước cuối cùng, không thể thiếu của dân vận chính quyền.
Thước đo chính xác nhất hiệu quả dân vận chính quyền là sự hài lòng của dân. Thực hiện đúng, sáng tạo quy trình dân vận 4 bước theo lời dặn của Người sẽ góp phần thực hiện thành công năm dân vận 2020: “Kỷ cương, liêm chính, năng động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, làm cho dân yêu, dân tin, dân hài lòng.
Nguyễn Quang Phi