HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Nhận diện để phòng và chống tham nhũng

Thứ Sáu, 15/03/2019, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tham ô là hành vi lợi dụng chức quyền để lấy cắp của công; tham nhũng là nhũng nhiễu để lấy của công, của nhân dân. Thuật ngữ “tham ô” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu vào năm 1952, cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Đảng ta vẫn sử dụng thuật ngữ đó. Đại hội lần thứ VI, Đảng bắt đầu dùng thuật ngữ “tham nhũng” để thay thế thuật ngữ “tham ô”.

NHẬN DIỆN HÀNH VI THAM NHŨNG

Đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân rất khó, nhưng xây dựng được chính quyền trong sạch lại càng khó hơn. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo cán bộ, đảng viên, công chức đã mắc phải những “căn bệnh” như: Cậy thế, hủ hóa, tư túi, tư túng, chia rẽ, óc hẹp hòi, bè phái, kiêu ngạo… Và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người đau xót trước hiện tượng “bất liêm”: “chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi, nước mắt để đóng góp của cải, vật chất giúp kháng chiến thắng lợi và để kiến thiết nước nhà”. Vậy mà, “những kẻ tham ô đã chiếm đoạt, hủy hoại nguồn lực ấy”. Tham nhũng làm tha hóa cán bộ, đảng viên; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; cản trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng “làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta”; làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Người kết luận: Tham nhũng  “là trộm cướp”, “tội đê hèn nhất trong xã hội”, “ là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.

Đặc trưng của tham nhũng là: Biến tài sản của Nhà nước, của nhân dân, do nhân dân đóng góp làm của riêng cho cá nhân, gây quỹ riêng cho tập thể. Để nhận diện những kẻ “bất liêm”, theo Người không hề đơn giản. Bởi tham nhũng diễn ra nhiều hình thức khác nhau: “Có thứ trộm cắp xấu xa, kín đáo; có thứ trộm cắp của công một cách đường hoàng, một cách ngăn nắp”; có tham nhũng trực tiếp, gián tiếp; có tham nhũng trắng trợn, công khai, nhưng cũng có khi được che đậy dưới nhiều lớp vỏ bọc tinh vi. Cán bộ, đảng viên, công chức “có chức, có quyền mà thiếu lương tâm… tham địa vị, tham tiền của, tham danh tiếng, tham ăn ngon mặc đẹp”, thì chắc chắn sẽ sa vào các hành vi tham nhũng: “Ăn cắp của công làm của tư”; “Đục khoét của nhân dân”; “Xoáy tiền của Nhà nước, xoáy tiền của dân”; “Ăn của đút lót”; “Bớt xén tiêu chuẩn của bộ đội”; “Tiêu ít mà khai nhiều”; “Lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị”; “Trách nhiệm kém, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”…

Hôm nay, bản chất hành vi tham nhũng không thay đổi; nhưng quy mô, mức độ, tính chất xảo quyệt, tinh vi đã khác xa. Những kẻ “bất liêm” hễ “Có gì chén được là đánh chén trước”, “Ăn không trừ một thứ gì”; chúng cấu kết bòn rút công quỹ, lại quả, chia chác với nhau; hô biến đất vàng của Nhà nước thành đất tư, đất rừng phòng hộ thành biệt phủ của cá nhân; phong bì, quà cáp, biếu xén trở thành lệ “bồi dưỡng”,  chất “bôi trơn” trong giải quyết thủ tục hành chính; đưa và nhận hối lộ, bớt xén, ăn chặn của dân; tiếp sức cho các loại “chạy”, nịnh bợ nhau để kiếm chác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho cá nhân và gia đình; sáng vác ô đi, tối vác ô về, đi trễ, về sớm, bớt xén 8 giờ làm việc vàng ngọc… Những hành vi “muôn hình vạn trạng” của tham nhũng đang làm băng hoại giá trị đạo đức, làm nghèo đất nước, gây nguy cơ tồn vong cả chế độ mới.

PHẢI TẨY SẠCH NẠN THAM NHŨNG

Người từng dặn: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch… Muốn thành công… cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.

Tẩy sạch nạn tham nhũng “ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng”. Phải giáo dục để nhân dân “gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy”, làm cho quần chúng “Khinh ghét tệ tham ô… Biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô còn chỗ ẩn nấp”; mở rộng dân chủ để huy động tối đa sức dân cùng chống tham nhũng “quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải “lấy giáo dục làm chính, trừng phạt là phụ”, nhưng khi cần phải xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị bọn bất liêm bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Quan liêu là nguồn gốc sâu xa sản sinh nạn tham nhũng. Những kẻ quan liêu “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô”; rằng: “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô”, muốn tẩy sạch tham nhũng trước mắt phải “tẩy sạch bệnh quan liêu”.

Các chi bộ, tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng thường xuyên tự phê bình và phê bình, tiến hành “từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”, phải “thật thà kiểm thảo, giúp nhau kiểm thảo”, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tự giác kiểm điểm để làm gương. Phải đi đến tận cùng “gốc rễ của khuyết điểm… có tham ô không? Có ăn bớt của công không?”; phải tự sửa chữa để rủ sạch những suy nghĩ lệch lạc: “Người có công thì tham ô chút đỉnh, cũng nên tha thứ”; “Không phải cơ quan kinh tế tài chính, thì không có gì mà tham ô”; “Một điều nhịn, chín điều lành, kiểm thảo nhau làm gì”; “Ai tham ô mặc ai, mình không tham ô thì thôi”…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; thường xuyên củng cố kiện toàn và lựa chọn những người thật sự tài đức vào các cơ quan này. Người quan niệm: “Phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được, phái người lười đi thanh tra công việc cũng không được”.

Tham nhũng xuất hiện từ khi nhà nước xuất hiện và sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của nhà nước. Loại trừ tham nhũng không thể trong một sớm, một chiều mà sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn, thử thách. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phòng chống tham nhũng, trước hết phải tự giác xây dựng, tu dưỡng, rèn luyện đức liêm và khắc sâu bài học kinh nghiệm xương máu: “Khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành một người có tội với cách mạng”.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.